Báo cáo của huyện ủy Bù Đăng tại buổi làm việc cho biết: Thực hiện nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về “xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” Huyện ủy Bù Đăng đã chỉ đạo tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) trong toàn Đảng bộ huyện. Ban chấp hành Đảng bộ Huyện đã xây dựng chương trình đột phá về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ giai đoạn ( 2011-2015). UBND huyện cũng đã ban hành đề án đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức câp huyện, xã theo từng giai đoạn và đã đạt được một số kết quả nhất định. Đội ngũ tri thức của huyện tăng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể: Hiện nay toàn huyện có 2.915 trí thức có trình độ từ Cao đẳng trở lên, tăng 1.757 người so với năm 2008. Trong đó có 17 thạc sỹ; 2.148 Đại học; 730 cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề; 20 trí thức có trình độ chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2. Về trình độ lý luận chính trị có 58 cử nhân; 87 cao cấp; 248 trung cấp và 745 trí thức có trình độ Lý luận chính trị sơ cấp. Chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức được quan tâm chỉ đạo thực hiện.Từ năm 2010 đến nay có 1.005 cán bộ,công chức, viên chức, được nâng lương trước thời hạn; công tác phát triển Đảng, quy hoạch, bổ nhiệm được thực hiện đúng quy trình. Việc điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, dân chủ, phù hợp với trình độ, chuyên môn, vị trí công tác. Công tác xét tuyển công chức, viên chức được thực hiện theo quy trình, đảm bảo công khai, công bằng cho các đối tượng dự tuyển. Hầu hết cán bộ công chức, viên chức được tuyển dụng đều có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ban thường vụ huyện ủy Bù Đăng cũng đã mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ, có năng lực, phẩm chất, đạo đức giữ các chức vụ chủ chốt. Thực hiện tốt chính sách khen thưởng, tôn vinh trí thức, tuyên dương học sinh có thành tích xuất sắc bằng nhiều hình thức. Về công tác dạy nghề: Hiện nay huyện Bù Đăng có 01 trung tâm bồi dưỡng chính trị, 01 trung tâm Giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm dạy nghề và 16 trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập và đào tạo nghề trên địa bàn huyện.
Tại buổi làm việc các thành viên trong đoàn cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp với Ban thường vụ huyện ủy Bù Đăng về một số hạn chế như: Huyện còn thiếu trí thức có trình độ cao và chuyên sâu, lực lượng trí thức phân bổ thiếu cân đối. Lớp trí thức trẻ có trình độ cơ bản nhưng vẫn chưa tạo được bước đột phá cho sự phát triển khoa học công nghệ và kinh tế - xã hội của huyện; chưa tổ chức đối thoại để lắng nghe trí thức phản biện khoa học về các chủ trương phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; cán bộ công chức có trình độ Đại học còn hạn chế đặc biệt là cấp cơ sở; trình độ sau Đại học còn quá ít; công tác đào tạo nghề chưa sát với tình hình thực tế, chưa gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Sau khi nghe báo cáo của địa phương và ý kiến của các thành viên trong đoàn. Kết luận tại buổi làm việc bà Trần Tuyết Minh – UVTV. Trưởng ban tuyên giáo tỉnh đã thống nhất cao với các ý kiến của các thành viên và lưu ý một số giải pháp Ban thường vụ huyện ủy Bù Đăng cần thực hiện trong thời gian tới như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực và dạy nghề; Đánh giá đúng vị trí, vai trò, thể hiện sự tin dùng bằng những việc làm cụ thể đối với đội ngũ trí thức; Có chính sách ưu đãi hơn đối với đội ngũ trí thức công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có giải pháp cụ thể đối với người lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo; khẩn trương đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ công chức khối huyện chưa đạt chuẩn; nâng cao chất lượng đào tạo cho cán bộ công chức theo đúng chuyên ngành gắn với quy hoạch, tránh lãng phí, không đúng thực chất; Tăng cường chỉ đạo về nâng cao chất lượng đào tạo nghề; có kế hoạch tư vấn cho người lao động trong việc lựa chọn nghề, chỉ đào tạo nghề khi người lao động có định hướng nơi làm việc sau đào tạo; Việc đào tạo nghề phải đa dạng phù hợp với thị trường, doanh nghiệp, nhu cầu xã hội.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn