Về tình hình thực hiện các dự án thuộc khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo có diện tích đất sử dụng là 113,4 ha với dự toán kinh phí là 289 tỷ đồng, bao gồm 7 thành phần dự án. Tính đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã bồi thường được 39 ha gồm khu tái định cư, khu vực nhà dài, làng nghề và sân lễ hội, chi trả 54 hộ dân số tiền 19,7 tỷ đồng; hoàn thành 2 nhà dài truyền thống của đồng bào S’tiêng với tổng kinh phí 4,2 tỷ đồng; hoàn thành 3 phòng học tại điểm trường tiểu học Xuân Hồng trong khu vực dự án từ nguồn vốn tài trợ của tập đoàn Mai Linh với dự toán công trình là 1,5 tỷ đồng; đã xây dựng xong đường giao thông trục chính vào khu bảo tồn.
Tuy nhiên hiện nay, sau 2 năm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án nhưng chưa được bố trí tái định cư, nhà cửa của các hộ dân đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh xem xét và thống nhất phương án thực hiện nhà tái định cư và bố trí kinh phí thực hiện; các hạng mục đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, do đó một số công trình xây dựng xong nhưng chưa phát huy được hiệu quả; 2 nhà dài hiện đã xuống cấp; kinh phí giải phóng mặt bằng hạn chế và phân bổ nhiều đợt nên các hộ dân trong vùng dự án không yên tâm sản xuất, do vậy sở cũng đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư đồng bộ các công trình theo từng giai đoạn, đặc biệt là kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.
Đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc S’tiêng, M’nông trên địa bàn, UBND huyện Bù Đăng cho biết: hàng năm, huyện đã phục dựng một số lễ hội văn hóa truyền thống như lễ cúng mừng lúa mới; lễ kết nghĩa cộng đồng; tổ chức liên hoan văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số; xây dựng các đội văn nghệ dân tộc, khôi phục làng nghề đan dệt thổ cẩm. Điều tra khảo sát và thu thập các số liệu về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở địa phương. Toàn huyện hiện có 71 nhà văn hóa cộng đồng; 148 bộ cồng, chiêng; từ năm 2009 đến nay, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện đã thực hiện đề án xây dựng chương trình phát thanh tiếng dân tộc S’tiêng trên sóng FM. Tại buổi làm việc, sau khi lằng nghe và tiếp thu ý kiến của các thành viên ông Điểu Hơn, trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nhấn mạnh: dự án khu bảo tồn văn hóa sóc Bom Bo là một công trình ý nghĩa, thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo nên phải quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa của bà con. Ông đề nghị sau này tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để bà con trồng đọt mây, lá nhíp. Đề nghị sở Văn hóa thể thao và du lịch và UBND tỉnh quan tâm đầu tư đối với đội văn nghệ cồng chiêng sóc Bom Bo; hiện nay do còn khó khăn về kinh phí nên đề nghị chính quyền địa phương và bà con yên tâm chờ, đợi đặc biệt là không được làm nhà hoặc đầu tư sản xuất trên vùng đất dự án. Ông Điểu Hơn cũng đề nghị UBND huyện Bù Đăng cần có sự quản lý đối với 148 bộ cồng chiêng hiện còn, cử tuyển cán bộ đi đào tạo chuyên sâu về văn hóa để phục vụ công tác bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tại Bù Đăng.
Quang Minh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn