Báo cáo kết quả giám sát cho thấy: Toàn huyện có 541/3.091 cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) là người DTTS, chiếm 17,5%trong tổng biên chế CB,CC,VC (kể cả hợp đồng 68). Trong đó: Biên chế công chức hành chính cấp huyện có 03/94 người giữ các chức vụ lãnh đạo chiếm 3,2%; Biên chế sự nghiệp giáo dục có 412/2.202 viên chức chiếm 18,7%, Hợp đồng theo Nghị định số 68 có 48/329 viên chức chiếm 14,6%; Biên chế CB, CC cấp xã có 65/356 CB,CC,VC người chiếm 18,3%, trong đó có 12 người giữ các chức vụ lãnh đạo Đảng, nhà nước ở địa phương. Ngoài ra, còn có 07 công chức giữ chức danh Ủy viên UBND cấp xã; Biên chế sự nghiệp khác có 13/110 viên chức chiếm 11,8%. Về trình độ văn hóa, trong tổng số 541 người là CB,CC,VC là người DTTS có 504 người có trình độ THPT chiếm 93,2%, số còn lại là THCS. Về trình độ chuyên môn có 281 người có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 52%. Về trình độ chính trị có 1 cao cấp, 24 trung cấp, 124 sơ cấp và một số chưa qua đào tạo.
Từ năm 2006 đến năm 2014 huyện đã cử tuyển 214 em vào học các trường đại học, cao đẳng. Trong đó đại học có 162 em, cao đẳng có 52 em. Đến nay đã có 71 em đã hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp ra trường. Hiện nay UBND huyện đã bố trí công tác cho 37 em; đang chờ bố trí công tác 10 em; chưa liên hệ bố trí công tác 24 em... Nhìn chung, việc thực hiện chính sách cử tuyển đã góp phần tích cực đưa dân trí vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được nâng lên, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy. Từ chính sách cử tuyển, nhiều học sinh là con em đồng bào DTTS có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn đã có điều kiện tiếp thu kiến thức, sau khi ra trường quay trở lại công tác phục vụ địa phương, đã tạo được lòng tin trong nhân dân vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế đó là: Một số em sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không trở về huyện để công tác mà xin việc làm ở các địa phương khác; Do không chú trọng đến chỉ tiêu ngành nghề cần thiết, chưa xây dựng kế hoạch đào tạo và biên chế được giao, từ đó dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc xem xét phân công, bố trí công tác cho các em khi tốt nghiệp ra trường; Cơ cấu thành phần DTTS tham gia cử tuyển vẫn tập trung vào các đối tượng là dân tộc Tày, Nùng, trong khi học sinh dân tộc tại chỗ như M’Nông, S’Tiêng, Châu Mạ thiếu nguồn để cử tuyển.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Điểu Gia Rú, Trưởng đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên dự họp để bổ sung hoàn thiện báo cáo. Đồng thời, đề nghị Phòng Nội vụ làm tốt tham mưu UBND huyện xây dựng đề án lộ trình bố trí công tác, quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý phù hợp với CB,CC,VC người DTTS, nhất là DTTS tại chỗ; xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp với ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng của địa phương khi thực hiện công tác cử tuyển; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt và công khai công tác sơ tuyển, xét tuyển đối với các em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT để đáp ứng được chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng của huyện; Cơ cấu hợp lý thành phần học sinh DTTS tham gia cử tuyển, nên chú trọng ưu tiên thành phần là học sinh DTTS tại chỗ nhiều hơn và đồng đều giữa các xã, thịt trấn./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn