Khô hạn, thiếu nước tưới
Báo cáo của UBND xã Đăng Hà cho biết: toàn xã có trên 1.600 ha điều. Vụ vừa qua, sâu bệnh gây hại khiến năng xuất điều đạt thấp nhất từ trước đến nay, bình quân chỉ 50 kg đến 60 kg/ ha, cá biệt có khoảng 650 ha mất trắng không có thu hoạch. Hiện nay, nông dân vẫn đang tiếp tục xử lý sâu bệnh, đồng thời áp dụng quy trình cải tạo vườn điều, tăng cường chăm bón để cây mau chóng phục hồi. Những diện tích cây chết khô đang được nông dân cưa cắt để trồng lại.
Đăng Hà có diện tích cấy lúa nước nhiều nhất huyện với khoảng 1.000 ha. Nếu điều kiện thuận lợi nhân dân sẽ canh tác được 3 vụ lúa. Tuy nhiên hiện nay, do thiếu nước nên 43 ha đất đã được bà con cầy ải xong, rồi để đó chứ cũng chưa xuống giống được. Bà Vũ Thị Nguyệt tổ 1, thôn 4 cho biết: "gia đình tôi có 1,4 ha ở cánh đồng Bằng Lăng, nhưng vì thiếu nước nên canh tác cứ phập phù, ruộng nằm chờ nước. Những năm trước, tình hình thời tiết ổn định, nắng mưa theo mùa, bà con chủ động canh tác được, khi mưa xuống thì tranh thủ làm đất, xuống giống, hoặc có thể tận dụng nước ở sông, suối, mương máng. Nhưng năm nay, nắng hạn là nhiều, mưa rất ít nên cánh đồng nhiều chỗ khô nứt nẻ, bà con giờ chỉ trông chờ vào máy bơm nước từ sông Đồng Nai, các ngòi, rạch đều không còn nước. 27 ha lúa vụ Đông Xuân bà con vừa thu hoạch ở cánh đồng này cũng giảm năng suất do khô hạn, chỉ đạt bình quân khoảng 3,5tấn/1ha, trong khi đó nếu thuận lợi có thể đạt 5 tấn/ha".
Cũng vì điều kiện thời tiết nắng hạn, các loại cây trồng hoa màu và cỏ phát triển kém, điều kiện chăn nuôi của nông dân càng khó khăn hơn. Theo thống kê trong quý I/2017, toàn xã có trên 1.000 con trâu, 1.680 con bò, trên 2.800 con heo. Nhân dân nuôi chủ yếu quy mô gia đình, không nuôi theo trang trại. Năm ngoái, nhà bà Lý Thị Tỏa thôn 2 phải mua 22 triệu đồng một cặp bò, nhưng nếu giờ vẫn cặp bò ấy bán đi thì chỉ có giá khoảng 13 đến 15 điệu đồng., không những lỗ vốn mà còn lỗ công nuôi. Giá heo hơi cũng chỉ dao động từ 26.000 đến 30.000 đồng/kg nhưng rất khó bán.
Tận dụng mọi nguồn lực chống đói, nghèo
Trước tình hình nhiều khó khăn như hiện nay, lãnh đạo xã Đăng Hà lo lắng sẽ xảy ra tình trạng tái đói, tái nghèo. Ông Lê Quang Hiện, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: trước hết về trạm bơm nước, sau khi sửa chữa, hiện nay xã đang phối hợp với công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên dịch vụ thủy lợi Bình Phước đang tiếp tục vận hành thử nghiệm 3 ngày bơm 1 lần, mỗi lần bơm 4 tiếng bao gồm 3 máy luân phiên nhau bơm. Dù trạm bơm chỉ cấp nước đáp ứng sản xuất tại 2 cánh đồng thôn 3 và 4 với diện tích 70 ha, nhưng tất cả đang cố gắng để bà con sản xuất. (4 thôn còn lại chỉ trông chờ vào trời mưa)
Mặt khác xã tuyên tuyền bà con thực hiện phương châm "Chi tiêu tiêu tiết kiệm, không lãng phí, tận dụng mọi nguồn thu". Dù khó khăn song vẫn phải tìm cách để tăng gia sản xuất, tiết kiệm nước tưới để trồng rau xanh và các loại cây lương thực ngắn ngày. Tăng cường chăn nuôi gà, vịt, gia cầm để cải thiện bữa ăn gia đình, tăng thu nhập. Xã cũng đang chuẩn bị công tác thống kê lập danh sách các hộ đặc biệt khó khăn để đề nghị cứu đói giáp hạn, đồng thời kêu gọi các tổ chức cá nhân, mạnh thường quân tặng quà cứu trợ cho nhân dân địa phương.
Quang Minh.