Nhiều lý do học sinh vi phạm luật
Trường THPT Bù Đăng có tổng số 1.180 học sinh. Đây là trường trung tâm và có số học sinh đông thứ 2 trong huyện (Sau trường phổ thông cấp II – III Lương Thế Vinh, xã Bom Bo - PV), gồm các em từ 8 xã, thị trấn về học. Theo thống kê toàn trường có 216 em đi xe máy. Trong đó 158 học sinh đi xe máy trên 50 cm3, chủ yếu là học sinh lớp 12. Em Trần Thị Thùy Dương, học sinh lớp 12 A4, trường THPT Bù Đăng cho biết: “Có rất nhiều lý do khiến chúng em phải đi xe máy đến trường như: có bạn điều kiện nhà ở xa đường cái, bắt buộc phải đi xe máy chứ xe đò không thể đón tận nhà trong ngõ sâu hoặc trong rẫy được; vì đường quá xa và đèo dốc nên xe đạp điện cũng không thể chạy khỏe và nhanh được, nhất là những hôm trời mưa trơn trượt. Cha mẹ cũng không thể hàng ngày chở chúng em đi học được vì còn bận rất nhiều công việc. Trong thời gian tới khi thực hiện nghiêm vấn đề này thì nhiều bạn sẽ gặp khó khăn”.
Đề cấp tới ý thức khi tham gia giao thông. Thực tế các em điều khiển xe khi chưa đủ độ tuổi đã phạm luật, chưa kể đến các điều kiện về giấy đăng ký, bảo hiểm xe, nếu không may gặp cảnh sát giao thông thì cũng sẽ bị xử lý những lỗi vi phạm theo quy định của pháp luật. Trước hết là mất thời gian và ảnh hưởng tới việc học tập, tiếp đến là bản thân các em và cha mẹ bị phạt hành chính, gây thiệt hại kinh tế. Tuy nhiên không chỉ vậy, nhiều em còn không đội nón bảo hiểm, hoặc có đội để đối phó khi thấy cảnh sát giao thông, hoặc đội ở trong sân trường, sau đó thì lại cởi ra và dắt vào xe. Nhiều em còn chở 3, chở 4 bạn ngồi sau, thậm chí còn lạng lách đánh võng. Lý giải về vấn đề này, em Mai Văn Chung 12A4 cho biết: “Hầu hết chúng em đang ở tuổi mới lớn, nên nhiều bạn hay muốn khẳng định mình trước đám đông, muốn được mọi người quan tâm, để ý và được đánh giá là có cá tính mạnh. Một số thì do đi cùng với nhóm bạn, thấy một số bạn không đội thì cũng làm theo vì sợ bị nói này nói nọ, nhìn chung có rất nhiều yếu tố tác động”. Em Nguyễn Thị Hiền, lớp 12A1 cho rằng: “Các bạn gái không muốn đội nón bảo hiểm vì sợ hư mái tóc, đội nón vào trông không đẹp và làm mất vẻ duyên dáng nữ tính của con gái”.
Các trường và cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc
Cô Trịnh Thị Bé, Hiệu trưởng trường THPT Bù Đăng cho biết: trước khi có công văn chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện, nhà trường đã rất quan tâm tới vấn đề học sinh tham gia giao thông bằng xe máy. Trường đã quán triệt học sinh tuân thủ pháp luật, không được chạy xe trên 50 cm3 khi chưa có bằng lái và chưa có đủ điều kiện khác; đi xe đạp điện cũng phải đội nón bảo hiểm và không được dàn hàng ngang gây mất trật tự và nguy cơ tai nạn giao thông. Sau khi nhận được công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, nhà trường đã tiến hành ngay việc triển khai văn bản trước hết là tới học sinh toàn trường trong buổi chào cờ đầu tuần vừa qua. Bản thân hiệu trưởng còn trực tiếp trao đổi với các em về một số điều luật cơ bản mà các em phải biết như độ tuổi nào thì được đi xe máy, xe gắn máy, khi tham gia giao thông thì cần phải đảm bảo các yếu tố nào…. Hiện nay, toàn trường đã có 58 em đi xe gắn máy dưới 50 cm3; 42 em đi xe đạp điện; 797 học sinh đi xe đò đưa rước, còn lại là đi xe đạp và cha mẹ đưa đón.
Tại trường THPT Lê Quý Đôn, thầy Nguyễn Văn Phát hiệu trưởng cho biết: trường có 828 học sinh đến từ các xã Đức Liễu, Nghĩa Trung, Nghĩa Bình, Minh Hưng, Phước Sơn huyện Bù Đăng; xã Phú Trung huyện Phú Riềng và xã Đồng tâm huyện Đồng Phú. Vì đa số các em ở xa nên trường đề nghị hội cha mẹ học sinh hợp đồng xe đưa rước các em cho an toàn. Hiện trường đã có 7 xe đưa rước với khoảng trên 350 em tham gia; 3 em đi xe máy dưới 50 cm3; 4 em đi xe đạp điện; 97 em đi xe máy trên 50 cm3 và hiện tại đã có 15 em có giấy phép lái xe. Anh Đặng Thanh Hà, bảo vệ của trường đồng thời là người giữ xe của các em cho biết: “Hằng ngày tôi theo dõi rất sát sao việc học sinh đi học bằng phương tiện gì; em nào đi xe nào, biển số ra sao tôi biết hết, thường thì các em đi chung xe với nhau, có em thì đi một mình, hôm thì chở bạn. Nhà trường đã giao nhiệm vụ cho tôi phải tích cực nhắc nhở các em từng bước tuân thủ pháp luật, hạn chế dần dần việc đi xe máy khi chưa đủ điều kiện, thời gian tới tôi cũng sẽ phải thực hiện nghiêm, không trông giữ xe cho những em khi chưa có giấy phép”.
Tại trường phổ thông cấp II – III Lương Thế Vinh xã Bom Bo, đây là trường có số học sinh đông nhất huyện với trên 1.700 em. Thầy Lương Văn Cương Phó hiệu trưởng cho biết: hiện tại có 2 nhà xe đưa rước khoảng 100 đến 120 học sinh nhà ở các xã Đăk Nhau và Đường 10. Số học sinh đi xe máy rất đông, trường cũng chưa kiểm soát cụ thể được, vì một số học sinh gửi xe trong trường, một số gửi xe ở nhà dân ngoài cổng trường, số em đi xe đạp chủ yếu là học sinh cấp 2 nhà ở xã Bom Bo gần trường. Để thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của huyện, nhà trường đã triển khai văn bản tới toàn thể giáo viên, học sinh. Trước hết sẽ không cho học sinh đi xe tới trường; trường đã phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng của xã thông báo cho các em đủ tuổi đăng ký học bằng lái xe; giao cho đoàn thanh niên theo dõi vào báo cáo với ban giám hiệu các trường hợp học sinh còn đi xe máy, còn vi phạm các quy định để nhắc nhở, phê bình dưới cờ.
Trung Tá Từ Thế Mỹ, đội trưởng đội cảnh sát giao thông công an huyện Bù Đăng cho biết: “Đội đã chuẩn bị trên 14 ngàn bản cam kết dành cho học sinh, phụ huynh và Ban giám hiệu các trường để đến ngày 3/4/2017, sẽ đồng loại tổ chức cam kết tại các trường. Đội sẽ tăng cường xử lý học sinh vi phạm trên các tuyến đường và ngay tại cổng các trường, do vậy nhất định học sinh phải chọn 1 trong các phương án là đi xe máy dưới 50 cm3, xe đạp điện, xe đò hoặc gần thì cha mẹ hoặc người có đủ điều kiện chở đi, có như vậy pháp luật mới đi vào cuộc sống”.
Với sự vào cuộc một cách quyết liệt của các trường, các cơ quan chức năng và ý thức chấp hành pháp luật của học sinh cũng như người dân, hy vọng trong thời gian tới, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ trên địa bàn huyện sẽ giảm thiểu.
Quang Minh.