Cùng với kỹ Sư Huỳnh Giang trưởng trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Bù Đăng, ông Nguyễn Trường Sơn, phó chủ tịch hội nông dân, kiêm cán bộ bảo vệ thực vật xã, chúng tôi tiếp tục tới thăm vườn điều của người dân ở thôn Sơn Hiệp, Sơn Thọ xã Thọ Sơn, đây là địa bàn hàng năm thường được mùa với sản lượng lớn. Con đường đất đỏ chạy từ Quốc Lộ 14 vào 2 thôn bụi mù. Quan sát hơn 3 km dọc 2 bên đường, chúng tôi thấy hầu hết các vườn điều đã được quét dọn sạch sẽ, những đống lá khô đã được đốt gọn gàng chỉ còn lại tàn tro. Tuy nhiên hầu hết các rẫy không hề thấy người dân nào lượm điều. Đi thêm một đoạn nữa, chúng tôi ghé vào nhà ông Thái Hữu Chương bí thư chi bộ thôn Sơn Hiệp, nhà ông ngay sát đường. Ông Chương cho biết gia đình có 4 ha điều, dưới trồng xen cà phê, điều kiện chăm sóc tưới nước, bón phân chu đáo nhưng cây điều cũng không chống chụi được tình hình sâu bệnh. Ông Chương cho rằng, do tình hình thời tiết nắng mưa thất thường nên bệnh thán thư, bệnh cháy lá, khô bông, khô cành phổ biến, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất điều. Trong khu vực này hiện nay hầu như không có điều thu. 1 ha, một ngày nhiều lắm cũng chỉ được 2 kg, nhà ông có 4 ha, 3 ngày mới nhặt một lần mỗi lần cũng chỉ được 3 kg. Nhà bà Nguyễn Thị Oanh 74 tuổi, cùng thôn, rẫy cách nhà ông Chương khoảng gần 1 km, toàn điều già gần 20 năm tuổi. Một mình bà lụi cụi đi nhặt từng quả một bỏ vào cái thau nhôm, để rồi lát sau ngồi nhặt. Bà bảo gia đình có hơn 2 ha, năm ngoái thu 6 tấn, thời điểm này chắc cũng được nhiều rồi, nhưng năm nay cây không có trái, cũng không còn hoa, đi nhặt từ đầu mùa đến giờ mới được 10 kg. Bà nói như tự nhủ: “Do thời tiết hết đấy chú ạ, vừa rồi lại bị mấy đợt sương muối nên nó bị hỏng, chứ còn ở đây người ta đều xịt thuốc hết( thuốc kích thích đậu hoa trái – PV), cả thuốc sâu bệnh nữa”
Tìm hiệu tại xã Phú Sơn, ông Nguyễn Văn Anh cán bộ bảo vệ thực vật xã kiêm khuyến nông viên cho biết: xã có 1.640 ha điều, qua việc đi khảo sát cho thấy ngoài khu vực thôn Sơn Tân, giáp ranh với xã Đắk Ru, huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông, thôn Sơn Quý và Sơn Phú có đỡ hơn do điều muộn không bị ảnh hưởng những trận mưa trước thì hầu như khắp nơi điều bị tình trạng khô cành, khô bông , đặc biệt khu vực thôn Sơn Lang, dốc Cùi chỏ, suối Đắk rê khoảng 300 ha gần như cây không có trái, đứng trơ trụi. Ông Lê Trung Hiếu chủ tịch hội nông dân xã Phú Sơn cho biết: “hội nông dân cũng đã rất tích cự tuyên truyền bà con phòng trừ sâu bệnh nhưng tình hình bệnh quá phức tạp và khó điều trị, năng suất sụt giảm nhiều. Hiện nay, giá điều còn đang cao nên nhiều hộ đã tranh thủ mang cả xào đi chọc rồi, chứ để vài hôm nữa giá điều xuống thấp thì không còn gì hết. Tội hơn nữa là một số bà con người miền Tây cứ tưởng như những vụ trước bắt xe đò lên nhặt điều thuê, ai dè mất mùa chẳng ai thuê lại phải bắt xe quay về”, ông Hiếu chia sẻ.
Tiếp tục đi xuống các xã Đoàn Kết, Phước Sơn và Thống nhất, chúng tôi ghi nhận tình hình cũng tương tự. Chị Đinh Thị Hoài Lang, chủ thu mua nông sản thôn 7 xã Đoàn Kết cho biết: năm ngoái bình quân mỗi ngày chị mua cũng được 3 đến 4 tấn, nhưng vụ này tới nay chỉ 5 tạ, 6 tạ, hôm nay hy vọng được 1 tấn. Anh Điểu Karang thôn 7 mồ hôi nhễ nhại, chở được một bao tải nhỏ và một bọc ni lông tất cả cân bán được 46 kg, tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì thấy cũng nhiều, anh liền vui vẻ: “3 người nhặt từ sáng tới giờ đấy, 4 ngày nay mới vào rẫy, tổng cộng từ đầu tới giờ được hơn 50 kg rồi, mấy ngày trước chỉ 2kg, 3kg thôi. Thua rồi anh ơi, ai đời hoa điều cháy hết, giờ trông y như đùm thuốc rê của bà già hút ở nhà ấy”. Giữa cái nắng gắt của mùa khô, chúng tôi chạy tiếp xuống xã Phước Sơn theo đường ĐT 755, khu vực này cũng được cho là vựa điều của huyện với hàng ngàn ha. Ngang qua sóc Bù Sa xã Phước Sơn, cũng không ngạc nhiên lắm khi phần lớn bà con không đi rẫy mà tụ tập chơi ở nhà, nhiều thanh niên và trẻ em ngồi vật vạ xung quanh các quán nước trong sóc. Tới thôn 5 xã Phước Sơn, quan sát kỹ lắm tôi mới thấy một người đàn ông tên Nguyễn Tri Phương (63 tuổi) đang đốt lá, tìm hiểu về tình hình thu hoạch điều, ông bình thản cho biết, 5 ha vườn của ông đã sạch sẽ, sạch cả lá và cũng sạch quả luôn, ông ngước nhìn lên những tán cây rộng lắc đầu ngán ngẩm.
Tới xã Thống Nhất, ông Bùi Xuân Thế chủ tịch UBND xã cho biết, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, xã đã thành lập đoàn gồm Đảng ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cán bộ chuyên môn đi khảo sát thực tế tại thôn 5, thôn 9, thôn 10 và thôn 12. Thực tế cho thấy tình hình sâu bệnh rất nhiều, chủ yếu là bệnh thán thư, cháy lá, khô bông, khô cành. Thôn 5 có mức độ thiệt hại nặng nhất, nhiều diện tích không có trái. Đặc biệt có trên 6 ha cây bị chết khô; trong đó hộ anh Hà Văn Thanh 2 ha, Lý Văn Quý 1,2 ha; Hà Văn Tiến, Lục Thị Thi, Nguyễn Thị Hoa, mỗi hộ 1 ha. Ông Thế cho biết, hiện xã đang tiếp tục thống kê và báo cáo số liệu cho phòng nông nghiệp và ủy ban nhân dân huyện để xin ý kiến chỉ đạo, cũng như xem xét các chính sách hỗ trợ những hộ bị thiệt hại nặng, mặt khác hội nông dân phối hợp với cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật tiếp tục có văn bản và xuống tận các thôn hướng dẫn bà con về các phòng trừ bệnh để khống chế không cho lây lan.
Kỹ sư Huỳnh Giang trưởng trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Bù Đăng cho biết “Diễn biến thời tiết năm nay rất phức tạp, tình hình sâu bệnh diễn ra cũng phát sinh đột biến, nhất là sau tết có những đợt mưa ngày không lớn và nắng nóng xen kẽ dẫn đến tình hình sâu bệnh phát triển mạnh, đặc biệt như bệnh thán thư, bệnh cháy lá khô cành, bệnh khô bông, héo trái và đặc biệt gần đây có sâu đục trái non gây ảnh hưởng đến năng suất của bà con rất lớn. Trước tình hình đó, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ra 3 thông báo liên tục gửi cho UBND các xã và các cơ quan ban ngành để hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ. Gửi phát thông báo và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của huyện, tỉnh tuyên truyền phòng bệnh. Tuy nhiên, qua tình hình khảo sát thực tế thấy diễn biến phức tạp. Ngành khuyến cáo bà con nên tiếp tục thực hiện công tác phun thuốc chữa bệnh khống chế để tiếp tục còn thu hoạch, trạm cũng lưu ý bà con những vụ sau cần thực hiện phương pháp bón phân đúng quy trình để cây có sức chống chịu, kháng dịch bệnh”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn