Hiện nay đang là thời điểm giữa mùa vụ, nhưng 20 ha điều 13 năm tuổi của gia đình ông Trần Vinh ngụ khu Hòa Đồng, thị trấn Đức Phong mới chỉ thu được 800 kg. Năng suất thấp nhất, chưa từng xảy ra đối với gia đình có diện tích điều nhiều nhất, nhì của thị trấn Đức Phong. Ông Vinh cho biết: cũng như những vụ trước, gia đình ông thực hiện rất bài bản quy trình chăm sóc. Từ việc bón phân, tỉa cành, phát cỏ cho tới việc phun xịt kích thích dưỡng bông, đậu trái. Nhưng năm nay, không hiểu nguyên nhân gì khiến toàn bộ diện tích điều của gia đình ông đều trong tình trạng bông ra đến đâu, thì đều bị khô héo đến đó. Nhiều cây khẳng khiu không có bông, mà chỉ trơ trơ cành lá. Cứ khoảng 4 đến 5 ngày, ông mới vào rẫy nhưng cũng không có điều để nhặt. Đứng nhìn vườn điều với toàn cây thân to, tán rộng nhưng không có hoa trái mà lòng ông sót sa: “Nhà tôi trồng 20 ha điều, những năm trước có thể thu hoạch vài chục tấn, trừ chi phí còn lời từ 400- 500 triệu, nhưng năm nay tất cả mới chưa thu nổi một tấn. Thực trạng này khiến chúng tôi thêm một lần nữa phải xin đáo hạn hoặc xin được dãn nợ ngân hàng. Có thể tôi sẽ chuyển đổi cây trồng khác”. Ông Trần Minh Hiểu – Phó trưởng trạm bảo vệ thực vật Bù Đăng cho biết: Theo thông tin của bà con nông dân và cán bộ bảo vệ thực vật ở các cơ sở thì vụ điều năm nay mất khoảng từ 30% đến 50%. Qua quan sát nhiều vườn điều chúng tôi thấy, hầu hết bông đều bị khô, một số vườn điều già hiện còn đang ra bông thì toàn hoa đực, chứ lại không có hoa lưỡng tính, do vậy cũng không thể đậu trái được.
Người nông dân phải chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật và công chăm sóc nhưng không được thu hoạch. Không những thế, giá cả điều thô luôn bấp bênh ở mức thấp. Sắp tới nhiều hộ dân sẽ phải đối mặt với khoản nợ ngân hàng, nguy cơ tái đói, tái nghèo trong vùng đồng bào dân tộc và đứng trước bài toán không biết nên tiếp tục gắn bó với cây điều hay chặt bỏ để chuyển đổi sang đầu tư vào những cây trồng khác.
Quang Minh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn