hien ke

Tăng trưởng kinh tế bao hàm giá trị của chất lượng tăng trưởng và chất lượng cuộc sống của người dân.

Thứ tư - 02/11/2011 12:38 1741

Tăng trưởng kinh tế bao hàm giá trị của chất lượng tăng trưởng và chất lượng cuộc sống của người dân.

Trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu nhân dân, UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội - bà Trương Thị Mai cho rằng, khi mục tiêu đã thiết lập là tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công thì các chính sách sẽ phải thay đổi, phải theo lộ trình để hướng tới mục tiêu đã đặt ra.

Từng ngành, từng lĩnh vực sẽ phải điều chỉnh các chính sách, thiết lập lại con đường đi của chính sách. Và quan trọng nhất phải thay đổi phương thức quản lý theo hướng quản lý được hiệu quả đầu ra của các chính sách. Toàn bộ sự vận hành của các chính sách sẽ tác động để thay đổi nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, chứ không theo chiều rộng như hiện nay. Tăng trưởng kinh tế phải bao hàm giá trị của chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống của người dân được bảo đảm.

- Thưa Chủ nhiệm, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là chủ đề không mới trên nghị trường QH. Song tại Kỳ họp lần này, nội dung này được đề cập một cách khá toàn diện, thẳng thắn trên diễn đàn QH như một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới. Ý kiến của Chủ nhiệm về vấn đề này như thế nào?

 

 

 

Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc phải có thay đổi mạnh mẽ đối với vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó ba trọng điểm là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính mà tập trung là hệ thống ngân hàng. Những hướng đi này đã nhiều lần được đề cập trên diễn đàn QH. Vì vậy, tôi nghĩ QH và các ĐBQH rất ủng hộ chủ trương này. Tất nhiên, đi vào cụ thể thì từng ngành, từng vấn đề phải rất chi tiết với những giải pháp cụ thể. Và tại kỳ họp này, Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục xác định bước đi và giải pháp lớn thông qua một Nghị quyết về kinh tế – xã hội mà có thể có những điểm khác biệt so với những năm trước đây.

- Cụ thể với tái cơ cấu đối với an sinh xã hội - mảng công việc của Ủy ban Về các vấn đề xã hội – là gì, thưa Chủ nhiệm?

Lĩnh vực của Ủy ban Về các vấn đề xã hội liên quan đến nhóm vấn đề đầu tiên là tái cấu trúc đầu tư công, trong đó chúng tôi sẽ quan tâm đến việc đầu tư cho các dịch vụ cơ bản của xã hội như thế nào? Y tế, giáo dục... là những dịch vụ công quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, trong đó an sinh xã hội là lĩnh vực đụng chạm nhiều đến ngân sách Nhà nước phải tiếp tục thay đổi cơ cấu đầu tư. Ví dụ, đối với lĩnh vực y tế, cùng với lộ trình tăng viện phí để dần trở thành nguồn thu chính của các cơ sở y tế (có thể thu trực tiếp hoặc thông qua bảo hiểm y tế). Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ phải điều chỉnh đầu tư ngân sách cho y tế theo hướng giảm dần đầu tư trực tiếp cho các cơ sở y tế mà trước hết là nhóm cơ sở y tế của các thành phố lớn có nguồn thu lớn. Đầu tư ngân sách lúc này sẽ chuyển thành trợ cấp trực tiếp của Nhà nước đối với những đối tượng Nhà nước cần hỗ trợ. Nhà nước sẽ sử dụng ngân sách đó để mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, lực lượng vũ trang...; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, cho nông dân, học sinh, sinh viên. Sự hỗ trợ này sẽ trực tiếp vào đúng đối tượng hơn. Đầu tư của ngân sách Nhà nước đối với y tế có thể tiếp tục tăng lên nhưng đường đi của nó phải có sự thay đổi, giảm dần sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước cho các cơ sở y tế và chuyển dần sang sự hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng Nhà nước phải quan tâm. Đó là những đối tượng ưu đãi xã hội, những đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế và đầu tư nhiều hơn cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Như vậy, đường đi của đầu tư Nhà nước sẽ minh bạch hơn. Ai cần hỗ trợ thì Nhà nước hỗ trợ. Và đầu ra của chính sách sẽ hiệu quả hơn. Còn, với cách đầu tư như hiện nay, chúng ta chưa thực sự đánh giá được đầu ra. Một cơ sở y tế một năm được đầu tư vài chục tỷ hoặc vài trăm tỷ đồng nhưng đầu ra của anh là cái gì? Cơ sở y tế có thể báo cáo về con số khám, chữa bệnh... nhưng con số đó đã thực sự hợp lý so với quá trình đầu tư của Nhà nước hay chưa? Vấn đề này rất khó để đánh giá.

Khi thay đổi viện phí cũng đồng thời chúng ta tạo ra cơ hội để tăng nguồn thu cho các cơ sở y tế và là điều kiện quan trọng để thay đổi cơ chế đầu tư ngân sách nhà nước cho các dịch vụ công. Các cơ sở y tế cũng sẽ tăng dần tính tự chủ. Tự chủ về tài chính, về nguồn nhân lực, tự quyết định đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc khám, chữa bệnh. Trên cơ sở nguồn thu có được này, các cơ sở y tế sẽ dần nâng cao chất lượng xây dựng thương hiệu của mình. Và khi đó, việc người dân lựa chọn khám, chữa bệnh sẽ phụ thuộc vào chất lượng, thương hiệu của cơ sở y tế đó. Lộ trình này không thể chỉ diễn ra trong vài năm mà là bước đi dài để chuyển từ cách thức cũ sang cơ chế hữu hiệu hơn hướng tới mục tiêu quản lý được hiệu quả đầu ra. Đồng tiền của Nhà nước phải đi đúng đối tượng, phải trả lời được câu hỏi: đồng tiền đó có hiệu quả hay không? Đồng tiền có thể tăng lên theo lộ trình tăng ngân sách và mục tiêu của Nhà nước đối với an sinh xã hội, nhưng đồng tiền đó phải tập trung hơn cho những chính sách cần hướng đến, chứ không dàn trải.

Đương nhiên, để đi được một bước đường như thế đòi hỏi một sự vận động lớn, thay đổi nhận thức xã hội và quyết tâm chính trị lớn của Đảng và Nhà nước này.

- Như vậy, dường như con đường đi, hướng đi của tái cấu trúc đối với lĩnh vực an sinh xã hội đã khá rõ, thưa Chủ nhiệm?

Tôi có thể đơn cử hai nhóm chính sách. Một là đối với y tế, trong đó bảo hiểm y tế được xem là tài chính cho y tế, chúng ta đã thiết lập được nền tảng bước đầu cho bảo hiểm y tế toàn dân, nhưng trong tương lai, con đường đi đối với bảo hiểm y tế phải rõ ràng hơn. Bảo hiểm y tế là chính sách tiến bộ mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải sử dụng để xây dựng mạng lưới an sinh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là đối với người thu nhập thấp, tổ chức bảo hiểm y tế thay mặt cho người bệnh để giám sát và chi trả viện phí cho các cơ sở y tế. QH sẽ xem xét, cân nhắc để tính toán một bài toán tài chính cụ thể cho 5 năm, 10 năm tới khi sửa Luật bảo hiểm y tế, bảo đảm lộ trình ngân sách đầu tư cho bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho người dân sẽ minh bạch và hiệu quả hơn.

Hai là chính sách đối với người nghèo. So với chuẩn mới thì tỷ lệ hộ nghèo của cả nước còn khá cao, hơn 13% hộ nghèo và hơn 7% hộ cận nghèo. Nhưng, nếu so với cách đây 20 năm thì số hộ nghèo đã được tập trung lại ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., được gọi là nghèo cục bộ. Vậy thì chính sách giảm nghèo cũng cần phải thay đổi để phù hợp với thực tiễn, theo hướng tập trung mạnh mẽ hơn cho những nhóm nghèo này. Việc chúng ta đưa ra Nghị quyết 30a là một sự thay đổi về chính sách giảm nghèo theo hướng đi mới, tập trung chính sách vào nhóm đối tượng khó khăn nhất của xã hội với mục tiêu sẽ có bước đột phá để thoát nghèo. Tuy nhiên, con đường đi của ngân sách nhà nước đối với giảm nghèo cần được tiếp tục tính toán để từng đồng tiền Nhà nước bỏ ra sẽ có hiệu quả thiết thực hơn, để người nghèo thoát nghèo bền vững hơn. Chính sách giảm nghèo cần được thay đổi theo hướng tập trung hơn cho những người nghèo nhất, những vùng nghèo nhất của cả nước với những chính sách mạnh mẽ hơn. Chính sách giảm nghèo của chúng ta hiện nay vẫn còn dàn trải. Sự cách biệt giữa hộ nghèo và cận nghèo còn quá lớn nên ý thức thoát nghèo chưa thật mạnh. Nhà nước phải tiếp tục trả lời hai câu hỏi: ngân sách Nhà nước sẽ tham gia ở mức độ nào là hợp lý và làm thế nào để người nghèo không ỉ lại, có động lực thoát nghèo. Một trong những công thức có thể nghiên cứu mà Ngân hàng Thế giới sẽ triển khai thí điểm tại Việt Namchính sách trợ cấp có điều kiện. Theo đó, các trợ cấp của Nhà nước cho người nghèo phải kèm theo điều kiện để người nghèo thực hiện, quá trình đó cũng là quá trình vươn lên thoát nghèo bền vững.

- Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 đã đề cập tới việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công. Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng Đề án Tái cơ cấu đầu tư công trình QH xem xét. Ý kiến của Chủ nhiệm về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, trước hết phải làm rõ thẩm quyền của Quốc hội và thẩm quyền của Chính phủ. Có lẽ, QH chỉ đưa ra những chỉ tiêu, định hướng lớn và một số giải pháp vĩ mô cần tập trung. Hay, ngân sách được phân bổ theo các mục tiêu lớn như thế nào thì QH phải quyết định. Vẫn phải để cho Chính phủ có không gian để điều hành những vấn đề cụ thể. Và QH phải giám sát việc thực hiện kế hoạch đó, giám sát hiệu quả của việc sử dụng ngân sách. Khi ngân sách đã được phân bổ thì con đường đi của ngân sách phải theo đúng như vậy.

Khi mục tiêu đã thiết lập là tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công thì các chính sách sẽ phải thay đổi, sẽ đi theo lộ trình để hướng tới mục tiêu đã đặt ra. Như vậy, rõ ràng, từng ngành, từng lĩnh vực sẽ phải điều chỉnh các chính sách, phải thiết lập lại con đường đi của các chính sách. Và quan trọng nhất phải thay đổi phương thức quản lý theo hướng quản lý được hiệu quả đầu ra của các chính sách. Cuối cùng, toàn bộ sự vận hành của các chính sách sẽ tác động để thay đổi nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, chứ không theo chiều rộng như hiện nay. Tăng trưởng kinh tế phải bao hàm giá trị của chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống của người dân được bảo đảm. 

- Xin cám ơn Chủ nhiệm!

L. Tâm thực hiện, Ảnh M.Dũng
(Theo báo Đại biểu nhân dân online)

Lê Hoàng.St

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Số kí hiệu Trích yếu
19/LLV-UBND

Thời gian đăng: 05/05/2024

Lịch làm việc UBND huyện Bù Đăng tuần thứ 19/2024

PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
1022
speed
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay15,551
  • Tháng hiện tại155,670
  • Tổng lượt truy cập18,902,388
THÔNG TIN QUY HOẠCH
 
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
4 congbao
 
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

giam ngheo
DON THU KHNTC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây