Sáng 17/3, Đoàn đã kiểm tra thực tế tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng. Theo đánh giá của Đoàn, công tác trồng rừng thực hiện theo các chương trình, dự án của chính phủ tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng hầu như không thành công, phần lớn diện tích không thành rừng. Tại đơn vị này vẫn còn tồn tại hạn chế trong việc quản lý bảo vệ rừng và bất cập trong quản lý đất đai.
Chiều 17/3, Đoàn tiếp tục làm việc với UBND huyện Bù Đăng. Báo cáo với Đoàn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng đất đai, đại diện huyện Bù Đăng cho biết, đến năm 2004 trên địa bàn huyện Bù Đăng còn 95.513ha đất lâm nghiệp. Diện tích này giao cho 2 lâm trường và 2 Ban quản lý rừng quản lý, bảo vệ. Theo đánh giá chung, quy mô sản xuất của các lâm trường nhỏ lẻ, phân tán, ngồn vốn ít dẫn đến sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, không có lãi. Công tác quản lý rừng của các lâm trường, Ban quản lý rừng chưa chặt chẽ, tình trạng phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất rừng, mua bán sang nhượng đất lâm nghiệp diễn biến phức tạp.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đã phân tích và chỉ ra những bất cập trong quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, cơ chế chính sách đối với người bảo vệ rừng. Theo một số thành viên Đoàn giám sát, đất lâm nghiệp ở Bù Đăng đã có những biến động lớn sau khi quy hoạch 3 loại rừng, làm suy giảm đến 77,3% diện tích rừng phòng hộ ở Bù Đăng.
Ông Mã Điền Cư yêu cầu UBND huyện Bù Đăng cần quản lý kỹ, số liệu phải chính xác, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp trong việc quản lý đất đai trong các lâm trường. Trách nhiệm tham mưu của UBND huyện với cấp trên về những bất cập đưa ra đề xuất cụ thể. UBND huyện Bù Đăng tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát để bổ sung và hoàn chỉnh báo cáo.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn