Kỷ niệm 25 ngày tái lập (04/7/1988 – 04/7/2013) và 39 năm ngày giải phóng huyện Bù Đăng (14/12/1974 – 14/12/2013).

Thứ hai - 17/02/2014 10:37

Kỷ niệm 25 ngày tái lập (04/7/1988 – 04/7/2013) và 39 năm ngày giải phóng huyện Bù Đăng (14/12/1974 – 14/12/2013).

Năm 2013, huyện Bù Đăng kỷ niệm 25 năm ngày tái lập và 39 năm ngày giải phóng. Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện ôn lại truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm qua các thời kỳ kháng chiến của các thế hệ cha anh đi trước, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đồng thời, tổng kết thành tựu sau 39 năm xây dựng và phát triển kể từ sau ngày giải phóng và sau 25 năm ngày tái lập huyện.

TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG
Kháng chiến chống Pháp 
 
Huyện Bù Đăng nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bình Phước. Bắc giáp Đăk Nông, phái Nam giáp Đồng Nai, phía Đông giáp Lâm Đồng, phía Tây giáp Phước Long và Đồng Phú. Diện tích 1488,33km2, dân số trên 136.400 người.
Xưa kia, đây là vùng rừng núi với tài nguyên phong phú như gỗ, dược liệu, các loại thú quý hiếm. Người X’Tiêng, M’nông, Mạ là những tộc dân đầu tiên đã chọn vùng đất này làm nơi định cư, sinh sống.
Vào những năm 30 của thế kỷ trước, người Pháp bắt đầu cho mở các con đường huyết mạch dọc theo đất nước ta để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Chúng cho mở đường 14 chạy ngang vùng đất này và thử nghiệm trồng cây cao su. Từ đó, có nhiều công nhân làm đường đến cư trú và vùng đất này có tên là làng Công Chánh, sau đó tên gọi Bù Đăng Xơ-rây được hình thành.
Để phục vụ cho việc khai thác vùng đất mới, thực dân Pháp bắt phu làm đường 14 vào cả những mùa rẫy. Một người dân phải đi phu 15 ngày trên một năm. Phải tự túc lương thực, ốm đau bệnh dịch không được điều trị, nghỉ ngơi. Sự áp bức, hà hiếp, nô dịch nặng nề của thực dân đã làm tăng thêm nỗi thống khổ của đồng bào các dân tộc, đó chính là nguyên nhân dẫn đến các phong trào khởi nghĩa võ trang như: Phong trào N’Trang-lơn (ở Đăk Nông), R’Ding (ở Bù Coh)... Trong đó phải kể đến Điểu Mốt, Điểu Môn ở sóc Bù Xum. Hai ông là người có uy tín với đồng bào X’Tiêng. Vì căm phẫn tội ác của thực dân Pháp đã tước đoạt quyền làm chủ của mình. Vào ngày 20/10/1933, hai ông cùng bà con dân tộc thuộc các sóc ở Bù Đăng nổi dậy và đã giết chết quận trưởng Mô-re, một tên thực dân có nhiều nợ máu với nhân dân. Các phong trào trên đã làm tiền đề cho những cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc sau này của đồng bào các dân tộc trong huyện.
 
Kháng chiến chống Mỹ
 
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Bù Đăng nằm trong Khu 7 trực thuộc sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa. Từ đây, phong trào kháng chiến trong vùng đồng bào dân tộc ở Bù Đăng được chuyển sang một bước mới.
Đầu năm 1958, thực hiện chính sách di dân để “khai phá miền sơn cước” Chính quyền Diệm đã đưa hàng ngàn cư dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi vào vừa để tách dân ra khỏi phong trào cách mạng ngoài đó, nhằm thực hiện mưu đồ tách dân ra khỏi Đảng, vừa để khai thác miền sơn cước. Từ đó, các dinh điền Vĩnh Thiện, Bù Na, Vi Thiện, Đức Bổn được hình thành.
Về phía ta, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Biên Hoà, năm 1956, ba chi bộ Đảng ở địa bàn vùng cao su và vùng đồng bào thiểu số được thành lập. Đầu năm 1958, một chi bộ Đảng hoạt động trong lòng địch (Chi bộ Vĩnh Thiện) cũng đã ra đời. Các cơ sở Đảng ở Bù Đăng được thành lập đã đánh dấu sự thất bại trong ý đồ “tách dân ra khỏi Đảng” của Mỹ – Diệm. Những “Hạt giống đỏ” đã nẩy mầm báo hiệu cho một thời kỳ mới. Phong trào cách mạng của nhân dân Bù Đăng bước vào giai đoạn phát triển cao hơn. Từ khi có Đảng lãnh đạo, ta đã chuyển hướng đấu tranh, kết hợp giữa chính trị và vũ trang, đòi quyền dân chủ, dân sinh.
Từ khi can thiệp vào miền Nam Việt Nam, Mỹ lần lượt thực hiện nhiều hình thái chiến tranh thâm độc hòng tiêu diệt bằng được lực lượng cách mạng. Trên địa bàn Bù Đăng, địch ráo riết tăng cường thực hiện chiến tranh tâm lý để gây chia rẽ với nhân dân, giữa người Kinh và người Thượng; chúng tăng cường gom dân vào “ấp chiến lược”, dùng chiến thuật “tát nước bắt cá” để cắt đứt mối liên hệ giữa cách mạng và quần chúng. Nhưng với tinh thần bất khuất, quân dân Bù Đăng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bất chấp khó khăn, hy sinh, kiên cường chiến đấu bảo vệ căn cứ, phát triển lực lượng, lần lượt đánh bại mọi âm mưu chiến tranh thâm độc của Mỹ - Ngụy, giành nhiều chiến công. Trong ngọn lửa đấu tranh, những người con ưu tú, anh dũng, kiên cường xuất hiện, nổi bật là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Điểu Ong - Người con của dân tộc X’Tiêng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Đức Thái, người con của vùng quê Cát Hải, Hải Phòng.
Đi qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nhiều địa danh của huyện đã đi vào lịch sử đáng tự hào như căn cứ “Nửa lon”; “ấp Cộng sản”, đặc biệt là địa danh Sóc Bom Bo. Trong chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài năm 1965, sóc Bom Bo đã làm nên một “huyền thoại đánh Mỹ”- trong bom đạn, quân và dân nơi đây đêm, ngày giã gạo, cung cấp kịp thời lương thực cho bộ đội. Nhờ sự chi viện về sức người, sức của, chiến dịch này đã giành thắng lợi lớn, góp phần làm sụp đổ hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ – Ngụy ở miền Nam Việt Nam. Sóc Bom Bo đã trở thành niềm tự hào của quân và dân Bù Đăng trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm và mãi mãi về sau.
 
CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG BÙ ĐĂNG NGÀY 14/12/1974
Kế hoạch chuẩn bị chiến dịch
 
Mùa khô năm 1974, Tỉnh ủy Bình Phước chỉ thị cho K ủy K29 với nội dung: “Thời cơ đã đến, chuẩn bị cho kế hoạch mùa khô, trong 2 năm 1974 - 1975 để giành thắng lợi to lớn góp phần giải phóng miền Nam”.
Thực hiện Chỉ thị trên, đồng chí Võ Đình Tuyến (Bí thư K ủy) đã triệu tập cuộc họp Thường vụ K ủy K29 bất thường, đề ra các kế hoạch, giải pháp cụ thể; làm tốt công tác chuẩn bị cho trước, trong và sau giải phóng, đồng thời tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững khí thế cách mạng, kiên trì quyết tâm chống kẻ thù. Đặc biệt là vấn đề phòng gian, bảo mật phải xem là yếu tố hàng đầu để giành thắng lợi trong trận thử lửa đầu tiên.
Theo kế hoạch,nhân dân và lực lượng vũ trang huyện có nhiệm vụ: Tham gia chiến đấu, nắm tình hình địch trên địa bàn, đặc biệt là ở Chi khu Quân sự Đức Phong và căn cứ quân sự Vĩnh Thiện; chuẩn bị địa điểm trú quân và ém quân, làm cầu đường đưa quân và hỏa lực tiếp cận trận địa, làm trại giam dã chiến để giữ tù binh, đưa dân ra khỏi nơi có chiến sự, làm tốt công tác binh – địch vận, tiếp quản và thành lập chính quyền cách mạng sau giải phóng, truy quét tàn quân, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội và đời sống cho nhân dân.
 
Diễn biến trận đánh lịch sử - giải phóng Bù Đăng
 
Với chiến thuật “vây lấn, tấn phá, triệt diệt” và sự mưu trí dũng cảm, sau hơn 2 ngày đêm kể từ 5 giờ 30 phút, ngày 11-12-1974 đến 7 giờ 50 phút ngày 13-12-1974 với 4 đợt tấn công quyết liệt, cùng với sự kết hợp của lực lượng vũ trang và các loại hỏa lực, ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Vĩnh Thiện, đây là chiến thắng mở màn trong Chiến dịch Đường 14 – Phước LongĐêm ngày 13-12, công tác chuẩn bị tiến công của ta đã hoàn tất, với quyết tâm giành thắng lợi lên trên tất cả, các mũ và báng súng của các chiến sỹ ta đều có khẩu hiệu “quyết tâm chiến đấu”.
Đúng 5 giờ 40 phút ngày 14-12, ta đồng loạt nổ súng tấn công trên tất cả các hướng của chiến dịch. Ở Chi khu Quân sự Đức Phong, sau 2 giờ chiến đấu ta đã bắn trúng 2 lô cốt, mở được 2 lớp hàng rào của đồi chi khu.
Tuy nhiên, địch dựa vào lợi thế trên cao, địa hình dốc hệ thống công sự hầm ngầm phòng thủ kiên cố vững chắc ở lưng đồi nên chúng sử dụng đại liên phản công quyết liệt. Trước tình hình đó, ta tăng cường một trung đội hỏa lực tập trung bắn áp chế vào các hầm hào phòng ngự của địch, hỗ trợ cho lực lượng ta mở cửa, lần lượt phá banh 7 hàng rào. Chỉ còn phá được hàng rào thứ 8 – hàng rào cuối cùng để quân ta tiến lên, khi đó hai đội viên được phân công đặt bộc phá đã cố gắng đặt hai lần vào chân hàng rào nhưng vẫn không thành công. Trước tình thế trời sắp sáng, các đơn vị xung kích đang ở đội hình chờ chiến sĩ đặt bộc phá phá hàng rào quan trọng này để quân ta sẽ tiến vào tiêu diệt địch. Không chần chừ, đội trưởng phụ trách bộc phá Đoàn Đức Thái tự mình ôm ống bộc phá cuối cùng dài và nặng hơn các ống trước đó xông lên đặt vào chân hàng rào, nhưng khi buông tay định giật nụ xòe thì ống bộc phá tuột dốc khỏi hàng rào. Trước tình hình “Một người hy sinh sẽ đỡ cho hàng trăm đồng đội khỏi thương vong”, anh đã nằm đè lên ống bộc phá rồi nhanh tay giật nụ xòe điểm hỏa. Khi đoạn đầu dây cháy chậm xòe lửa cháy lan nhanh về khối bộc phá, anh em đồng đội phía sau gào lên: “Bộc phá sắp nổ, lui lại, tụt xuống dốc đi Thái ơi…!”. Anh chẳng những không chạy mà vẫy tay mạnh về phía trước, miệng hô lớn: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh! Xung phong! Xung phong”…
Một chớp lửa chói lòa và tiếng nổ vang trời, ngắt lời hô của Đoàn Đức Thái. Đó cũng là lúc hàng rào thứ 8 được mở toang, quân ta nhanh chóng xông thẳng vào đồn giặc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ địch trong Chi khu. Đúng 8 giờ 45 phút, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của ta đã phất phới trên Chi khu Quân sự Đức Phong.
Sau khi làm chủ chi khu quân sự Đức Phong, ta tiếp tục chuyển lực lượng đánh chiếm trung tâm hành chính quận Đức Phong, sau gần 2 giờ chiến đấu, đến 10 giờ 30 phút ngày 14-12-1974 ta đã làm chủ hoàn toàn khu trung tâm hành chính quận lỵ Đức Phong, giải phóng hoàn toàn Bù Đăng.
 
 
Ý nghĩa lịch sử của chiến dịch giải phóng Bù Đăng
 
Đây là quận đầu tiên được giải phóng trong Chiến dịch Đường 14 – Phước Long, góp phần quan trọng mở thông hành lang chiến lược Đường 14, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng tỉnh Phước Long đầu năm 1975. 
Từ chiến thắng này, đánh dấu một bước suy sụp mới của quân ngụy và can thiệp Mỹ, củng cố thêm quyết tâm chiến lược đã xác định trong hội nghị Bộ Chính trị, làm cơ sở cho phương án giải phóng hoàn toàn Miền Nam trước mùa mưa 1975.
 
Quang Minh.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
1022
speed
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay5,485
  • Tháng hiện tại166,712
  • Tổng lượt truy cập20,297,594
THÔNG TIN QUY HOẠCH
 
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
4 congbao
 
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

giam ngheo
DON THU KHNTC
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây