Việc công khai các chế độ dành cho đại biểu HĐND là điều cần thiết, giúp cho nhân dân giám sát được hoạt động của người đại diện mình.
Đây còn là tiền đề để đảm bảo phòng, chống tham nhũng như chủ trương mà Nhà nước đặt ra, và càng được đẩy mạnh khi nước ta trong thời kỳ hội nhập.
Các chế độ dành cho HĐND bao gồm:
1. Về tiền lương
Nếu là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là cán bộ của cơ quan nhà nước thuộc đối tượng áp dụng của Luật cán bộ, công chức được trả lương, phụ cấp và chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội và hướng dẫn của Chính phủ.
Nếu là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc và được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó đài thọ như đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Về hoạt động phí
Đại biểu HĐND bao gồm chuyên trách và không chuyên trách được hưởng hoạt động phí hàng tháng như sau:
- Hệ số 0.3 mức lương cơ sở áp dụng đối với đại biểu HĐND cấp xã.
- Hệ số 0.4 mức lương cơ sở áp dụng đối với đại biểu HĐND cấp huyện.
- Hệ số 0.5 mức lương cơ sở áp dụng đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh.
3. Các chế độ khác
- Trường hợp không thuộc đối tượng được cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng BHYT thì trong thời gian là đại biểu HĐND được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
- Trường hợp trong thời gian đương nhiệm mà chết thì người lo mai táng được nhận 01 lần trợ cấp mai táng như sau:
+ Đối với đại biểu HĐND tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở do quỹ BHXH chi trả theo Luật BHXH.
+ Đối với đại biểu HĐND không tham gia BHXH thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở do ngân sách nhà nước chi trả.
- Trường hợp được hưởng chế độ công tác phí và thanh toán tiền đi lại khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu theo quy định của HĐND trên cơ sở hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định pháp luật.
Điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu HĐND
- Được cấp và sử dụng Giấy chứng nhận đại biểu HĐND.
Khi làm nhiệm vụ đại biểu thì đại biểu HĐND phải xuất trình Giấy chứng nhận đại biểu HĐND khi có yêu cầu.
- Trường hợp đương nhiệm được cung cấp báo cáo của Thường trực HĐND, UBND cùng cấp và các tài liệu khác liên quan đến hoạt động của HĐND.
- Trường hợp đại biểu không chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật bị kỷ luật, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc hoặc tạm đình chỉ công tác thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trước khi ra quyết định phải thông báo bằng văn bản đến Thường trực HĐND cấp đại biểu được bầu.
- Trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức chuyển công tác đi khỏi địa phương nơi đại biểu được bầu thì trước khi ra quyết định thuyên chuyển, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải tham khảo ý kiến Thường trực HĐND cùng cấp.
Thường trực HĐND báo cáo HĐND và thông báo tới Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, cử tri nơi bầu ra đại biểu HĐND đó biết việc chuyển công tác của đại biểu.
- Đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách được cấp kinh phí hoạt động theo quyết định của HĐND.
Nghị quyết 1202/2016/NQ-UBTVQH13 với những quy định rõ ràng, chi tiết về chế độ, chính sách và các điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu HĐND sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng tạo điều kiện để đảm bảo quyền lợi của đại biểu HĐND đồng thời nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của đại biểu HĐND.
Nguyễn Thị Hồng Thắm
|
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn