Lương Y Lê Ngọc Thiệu (1956), Nguyên chủ tịch Hội Đông Y huyện Bù Đăng là một thầy thuốc có trên 30 năm trong nghề, ông có nhiều kinh nghiệm chữa trị các bệnh viêm xoang, cảm hàn biến chứng, viêm gan và viêm đa khớp. Bệnh nhân đến với phòng khám của ông tại xã Đức Liễu ngày càng nhiều không chỉ vì khâm phục nghiệp vụ tài năng mà còn phục về lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc. Bình quân mỗi năm, phòng khám của ông phục vụ khoảng 1.500 người bệnh ở khắp nơi trong huyện, trong tỉnh. Không chỉ được chẩn bệnh, bốc thuốc mà bệnh nhân còn được thăm khám, tư vấn tận tình. Các bệnh nhân đến đều được ghi chép theo dõi bệnh tình cụ thể. Mỗi năm, ông còn khám bốc thuốc từ thiện, miễn phí cho khoảng 200 bệnh nhân nghèo, thậm chí, nhiều bệnh nhân khó khăn ở xa còn được ông hỗ trợ tiền xe.
Với bề dày kinh nghiệm của mình, lương y Lê Ngọc Thiệu đã giúp cho hàng trăm bệnh nhân vượt qua được bệnh tật mà trước đó đã đi chữa trị nhiều nơi không khỏi, đặc biệt bệnh nhân Lê Văn Mai thôn Bình Thọ xã Nghĩa Bình bị bệnh cảm thương hàn nhập cốt sau khi đã bị bệnh viện trả về chỉ chờ chết đã may mắn được ông chẩn bệnh cứu chữa khỏi, ông Mai đã coi lương y Lê Ngọc Thiệu là một ân nhân.
Lương Y Lê Ngọc Thiệu cho biết: ưu điểm chữa trị bệnh bằng đông y gần như là chữa trị tận gốc, bệnh đã khỏi thì rất khó tái phát. Có nhiều bệnh đòi hỏi chữa trị cần thời gian lâu, nhưng có những bệnh sau khi chẩn đoán đúng, hợp thuốc, hợp cơ địa thì cũng rất nhanh, đôi khi chỉ vài ba thang thuốc. Quan điểm chữa bệnh của ông là mọi bệnh nhân đều được đối xử công bằng, bình đẳng, bản thân ông luôn coi y đức làm trọng; mục tiêu chữa khỏi bệnh là trên hết.
Tại khoa ngoại của trung tâm y tế huyện Bù Đăng, điều dưỡng trưởng Lý Thị Nơm (1964) được nhiều người biết và quý mến vì sự tận tâm, trách nhiệm trong công việc. Hàng ngày, bên cạnh việc quản lý, phân công nhiệm vụ, theo dõi, giám sát và giúp đỡ đối với 18 nhân viên trong khoa về kỹ thuật chăm sóc bệnh nhân, vệ sinh khoa phòng, bản thân chị vẫn đảm nhận công việc chuyên môn của một điều dưỡng và phụ trách dụng cụ phòng mổ. Chị Nơm cho biết: điều dưỡng là công việc khá vất vả và cả sự nguy hiểm, bên cạnh áp lực về thời gian làm việc liên tục theo ca, đôi khi còn có nhiều tình huống bản thân chị và đồng nghiệp bị gây áp lực từ phía người nhà bệnh nhân trong những ca cấp cứu nguy hiểm, tuy nhiên với hơn 30 năm trong nghề, chị đã thấu hiểu và luôn luôn có những động viên, tư vấn, chia sẻ, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ khiến mọi người tin tưởng nể phục. Có một số bệnh nhân sau khi được điều trị, xuất viện, đã cảm kích sáng tác thơ tặng và gửi thư cảm ơn đối với cá nhân chị và đồng nghiệp trong khoa vì sự ân cần, chu đáo, chị Nơm cho biết thêm, bản thân chị xuất thân trong một gia đình có cả bố và mẹ làm ngành y, hiện tại chồng và con trai cũng là đồng nghiệp, vì vậy chị luôn nhận được sự chia sẻ một cách hài hòa công việc gia đình cũng như việc tại cơ quan. Trong suốt 32 năm gắn bó với nghề, dù có nhiều khó khăn vất vả nhưng với lòng yêu nghề, nỗi thương cảm, chia sẻ với bệnh nhân, sự trân trọng quý mến của đồng nghiệp và gia đình vẫn luôn thôi thúc chị gắn bó và cống hiến.
Bác sỹ Nguyễn Văn Thanh, Phó giám đốc TTYT huyện Bù Đăng cho biết: điều dưỡng viên được ví như cánh tay nối dài của Bác Sỹ trong công tác chăm sóc và điều trị người bệnh. Trong những năm qua, điều dưỡng Nơm là người luôn hoàn thành tốt vai trò của mình, có nhiều kinh nghiệm và đóng góp, sự tận tâm, tận tình của chị thể hiện ngay trong việc chăm sóc vết thương cho từng bệnh nhân, chính vì vậy bản thân chị là người được nhiều bệnh nhân quý mến và gửi thư khen ngợi, chị xứng đáng là tấm gương sáng cho đội ngũ đồng nghiệp, nhất là những thầy thuốc trẻ học tập noi theo.
Quang Minh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn