Sáng ngày 20/08/2024, Đoàn kiểm tra của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh do bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh làm trưởng Đoàn đã đến làm việc, kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn huyện Bù Đăng. Tiếp và làm việc với Đoàn có Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện, ông Hoàng Quốc Việt- Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Chính quyền địa phương Đoàn đến kiểm tra thực tế.
Trong thời gian qua, công tác quản lý nguồn vốn vay ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện trên địa bàn huyện được các tổ thực hiện tốt, phối hợp chặt chẽ với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện và chính quyền địa phương để triển khai thực hiện. Công tác bình xét cho vay vốn được tiến hành công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát đạt và vượt chỉ tiêu theo quy định. Việc trả nợ, lãi hàng tháng, huy động tiết kiệm đã được các tổ thực hiện tốt. Các hộ vay phát huy tốt việc sử dụng nguồn vốn vào phát triển kinh tế, sử dụng vốn đúng mục đích; một số hộ từ hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.
Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đang quản lý 86 tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV); tổng dư nợ cho vay ủy thác thông qua Hội PN tính đến ngày 31/07/2024 là 190.562 triệu đồng, với 4.041 hộ vay. Nợ quá hạn là 81 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,04%. Chất lượng hoạt động của các tổ có: 85 tổ tốt, chiếm 98,83%; 01 tổ khá, chiếm 1,16 %, không có tổ xếp loại trung bình, yếu, kém; có 3.968/4.041 hộ tham gia gửi tiết kiệm thông qua các tổ TK&VV chiếm 98,19% tỉ lệ số hộ tham gia tiền gửi tiết kiệm, với số tiền là 9.318 triệu đồng.
Bên cạnh những mặt đã đạt được, theo thống kê trên địa bàn huyện vẫn có 6 xã có nợ quá hạn. Vẫn còn tình trạng hộ vay bỏ đi địa phương khác, hộ vay không liên lạc được đã làm ảnh hưởng đến hoạt động lãi, huy động tiết kiệm cũng như việc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Việc lưu trữ hồ sơ đầy đủ tuy nhiên chưa khoa học, chưa có sổ theo dõi phí ủy thác.
Tại buổi làm việc Đoàn đã làm việc với Hội LHPN xã Đăk Nhau có nợ quá hạn phát sinh mới và kiểm tra thực tế 1 tổ và 5 hộ sử dụng nguồn vốn NHCSXH để phát triển kinh tế hộ gia đình. Tại các địa phương Đoàn làm việc, Đoàn đã đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về công tác huy động tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại Điểm giao dịch xã và nhận tiền gửi của thành viên Tổ TK&VV; phối hợp với Ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp thu hồi nợ quá hạn.
Bên cạnh đó cần tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ có tiền nhàn rỗi gửi vào Ngân hàng để đạt chỉ tiêu giao. Tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, vì chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV quyết định chất lượng tín dụng chính sách tại các thôn. Đồng thời, các Hội cấp xã, Ban quản lý Tổ TK&VV tăng cường công tác kiểm tra thực tế phương án sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, khả năng trả nợ của hộ vay đối với những món vay từ 50 triệu đồng trở lên./.
Tác giả: Hương Trần