Về sóc Bom Bo nghe kể chuyện kháng chiến và trải nghiệm giã gạo chày đôi

Thứ ba - 07/05/2024 16:09

Về sóc Bom Bo nghe kể chuyện kháng chiến  và trải nghiệm giã gạo chày đôi

Sóc Bom Bo, miền đất của bất khuất, kiên cường, một vùng đất với khí hậu ôn hòa, đã chở che những người con mang khí phách kiên trung, không sợ gian khổ, không sợ nắng mưa. Đó là nơi sinh sống của số đông đồng bào S'tiêng mang trong mình câu chuyện như bước ra từ huyền thoại.
Những người giã gạo nuôi quân tuổi 15
Năm 1960, Đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược Chiến tranh đặc biệt trên toàn Miền Nam, chúng dồn dân, lập ấp chiến lược, thực hiện nhiều chế độ vô cùng tàn ác… khi ấy Già làng Điểu Lên (1945) mới 15 tuổi, với tinh thần yêu nước nồng nàn, ông đã theo cha hăng hái đánh giặc, gìn giữ quê hương. Trong kí ức của mình, già Lên vẫn nhớ rất rõ, kì tích giã gạo nuôi quân, làm nên sóc Bom Bo huyền thoại. “Hồi đó, sóc Bom Bo chỉ với khoảng 30 hộ, 80 người dân, ban ngày, đàn ông đi theo bộ đội đánh giặc, bà bà đi thu lúa, bắp, khoai…ban đêm về thì cùng nhau giã gạo và chuẩn bị lương thực. Mỗi lần giã gạo, bà con lấy cây lồ ô đã phơi khô, rồi đốt lên làm đuốc bập bùng trong đêm. Mỗi cối có từ 2-4 người thay nhau giã gạo, khi nghe tiếng máy bay địch quần đảo trên bầu trời, thì tất cả tắt lửa chui xuống hầm trú ẩn. Thời đó, sóc Bom Bo trở thành nơi tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long”. Với lòng yêu nước nồng nàn, một lòng, một dạ sắt son với Đảng, với cách mạng, chỉ trong ba ngày đêm, bà con sóc Bom Bo đã giã xong 5 tấn gạo, phục vụ chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long, đồng thời tiếp tế lương thực cho bộ đội tiêu diệt địch ở phía Bắc chiến khu Đ trong phạm vi tỉnh Phước Long, Bình Long và trên trục giao thông chiến lược Tây Nguyên - Sài Gòn (quốc lộ 13, 14).
Già làng Điểu Lên – Du kích sóc Bom Bo được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy”.
Bà Điểu Thị Sức cho biết: Lúc bấy giờ, Mỹ càn quét rất ác liệt, bộ đội và người dân Bom Bo phải rút vào rừng sâu, lương thực thực thiếu thốn, nên mọi người đã thực hiện việc mỗi ngày, mỗi người chỉ ăn nửa lon gạo, để dành lương thực, căn cứ nửa lon cũng ra đời. Tại đây, với tinh thần sáng tạo, đồng bào S’tiêng đã chặt những cây gỗ sao dài, đục thành hàng chục lỗ cối, với chày tay, chày đạp, không quản gian khó, người dân thay nhau giã gạo để cung cấp lương thực cho bộ đội chiến đấu. Chính âm thanh nhịp nhàng từ “tiếng chày khua” của những chàng trai, cô gái S’tiêng giã gạo đêm, dưới ánh lửa bập bùng, đã trở thành nguồn cảm hứng, để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” huyền thoại. Bài hát như tiếng khèn thôi thúc giục giã lòng yêu nước, tình cảm cao cả của người dân miền sơn cước với Đảng và Bác Hồ, bài hát đã đi cùng với các đoàn quân giải phóng suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ đó mọi người đều biết và cảm phục đồng bào S’tiêng Bom Bo kiên cường, bất khuất. 
Ông Điểu Sen và bà Điểu Thị Giá sóc Bom Bo vừa dệt vải vừa kể chuyện giã gạo nuôi quân cho du khách.
Ông Điểu Sen - sóc Bom Bo năm nay đã gần 80 tuổi, sức khỏe đã yếu nhưng mỗi khi có dịp kể chuyện kháng chiến cho các cháu thiếu nhi hay du khách thập phương đến thăm, trong ông như sống lại những năm tháng ác liệt đã qua: Khoảng năm 1965 quân địch thường xuyên mở những trận càn quét rất khốc liệt vào vùng Bom Bo, Đường 10, Đắc Nhau, người dân sóc Bom Bo đã cùng với lực lượng vũ trang vùng căn cứ quyết liệt phản công, mặc dù quân địch có xe tăng iểm trợ nhưng quân và dân ta vẫn gan dạ tiến công với hỏa lực B-41 đã đẩy lùi được đoàn xe tăng của địch, trước sự càn quét khốc liệt của địch, người dân Bom Bo đã rút vào rừng sâu, lương thực, muối ăn thiếu thốn, không có muối ăn, người Bom Bo đốt cỏ tranh và hòa với nước thay muối ăn. Ngày đó, mặc dù bị địch khủng bố gắt gao nhưng người dân sóc Bom Bo vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng, trai gái trong làng đều hăng hái đánh giặc.  
Vang mãi tiếng chày trên Sóc Bom Bo
Chiến tranh đã lùi xa, người dân Bom Bo không còn giã gạo ban đêm dưới ánh lửa bập bùng của đuốc lồ ô nữa, hình ảnh ấy đã được các nghệ nhân không chuyên của sóc Bom Bo khéo léo chuyển thành các động tác múa rất nghệ thuật. Ngày nay, đến với sóc Bom Bo, ta không chỉ được nghe già làng kể chuyện giã giạo nuôi quân, được nhìn ngắm những chiếc cối, chày mà còn được trực tiếp trải nghiệm việc giã gạo bằng chính những chiếc cối, chày năm xưa. Những người lớn tuổi của sóc Bom Bo như già làng Điểu Lên, Điểu Sen, Thị Giá và các bạn trẻ như Điểu Cóc, Điểu Cường, Thị Hà… sẽ hướng dẫn cách giã gạo chày đôi, cách sàng gạo của người S’tiêng. Giã gạo chày đôi phải có 3 người, gồm 2 nam, 1 nữ, hai người nam đứng hai bên của cái cối, tư thế đứng hai chân ngang vai, lưng phải thẳng, khi giã gạo thì dùng lực của hai tay và hai vai, hai tay đưa chày lên cao và giã thẳng vào cối, trong khi giã chỉ hơi khom vai mà không được chùng chân, cứ thế hai người giã theo nhịp, sau khi giã xong sẽ đổ gạo vào sàng, người con gái sẽ sàng gạo, hai người con trai sẽ đứng hai bên cổ vũ người con gái cho đến khi sàng được gạo sạch trắng.
Tiết mục múa, tiếng chày trên sóc Bom Bo của thanh niên nam nữ sóc Bom Bo
Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, chính là nơi lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người S’tiêng. Ở đây hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng được tái hiện qua các cụm tượng nghệ thuật. Đến đây, du khách còn được hòa mình cùng các bạn thanh niên nam, nữ trong các bài múa mô phỏng lại phong trào giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng như bài múa “Tiếng chày trên sóc Bom Bo; Tình quân dân”.
Trong nhịp sống hối hả, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” vẫn tiếp tục ngân vang cả ngày lẫn đêm, nhưng không phải là tiếng chày giã gạo nuôi quân mà là tiếng chày của no ấm, của nghệ thuật, của tình yêu. Nhấp cò rượu cần, thưởng thức thịt heo nướng chấm muối ớt xanh, say cùng lời ca, điệu múa trong ánh lửa bập bùng, nhịp chày càng mạnh mẽ và hăng say, tiếng cười sẽ mãi vang vọng cả núi rừng Bom Bo.
      ANH TUẤN

Tác giả: Anh Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
1022
speed
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay3,328
  • Tháng hiện tại140,335
  • Tổng lượt truy cập20,271,217
THÔNG TIN QUY HOẠCH
 
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
4 congbao
 
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

giam ngheo
DON THU KHNTC
gop y du thao
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây