Chương trình cho vay vốn hộ mới thoát nghèo được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng được vay vốn là những hộ từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, với mức cho vay 50 triệu đồng/hộ.
Đến gần cuối năm 2019, chương trình được nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng/hộ, không phải bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay do ngân hàng và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm. Tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện, sau gần 8 năm triển khai (tháng 7/2015 đến nay), nguồn vốn này đã tiếp sức cho hàng trăm hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Tính đến hết tháng 3/2023, NHCSXH huyện Bù Đăng đã giải ngân chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đạt hơn 58,5 tỷ đồng, với 1.066 khách hàng vay vốn, tăng gần 5,2 tỷ đồng so với đầu năm. Chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo đã đạt hiệu quả, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Đại diện Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bù Đăng cho biết chương trình cho vay vốn đối với hộ mới thoát nghèo là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững vì hầu hết những hộ mới thoát nghèo có điều kiện kinh tế tuy khá hơn trước nhưng chưa ổn định và dễ bị tái nghèo nếu gặp rủi ro. Cũng như các chương trình cho vay khác của NHCSXH, thủ tục, hồ sơ vay vốn đối với hộ mới thoát nghèo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện. Phương thức cho vay trực tiếp, có ủy thác một số nội dung trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hộ mới thoát nghèo có nhu cầu vay vốn phải tự nguyện tham gia và được đa số thành viên trong Tổ biểu quyết nhất trí cho vay. Mức cho vay tùy theo nhu cầu của người vay, khả năng trả nợ và nguồn vốn của NHCSXH.
Thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn định hướng, tư vấn cho các hộ về phương án phát triển sản xuất, kinh doanh trước khi vay vốn.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường giám sát, giúp đỡ, đôn đốc các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả. Tiếp tục rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn, trên cơ sở đó đề nghị cấp trên bổ sung vốn chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo để các hộ vay vốn có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Tác giả bài viết: Hương Trần