Từ tháng 10-2014, giá tiêu đen nông dân cất trữ có thời điểm đạt 240 ngàn đồng/kg. Tháng 12-2014, nông dân vào vụ thu hoạch hồ tiêu giống Ấn Độ, bán với giá 200-210 ngàn đồng/kg (tiêu trên 500g). Những tưởng sau tết Nguyên đán 2015, vào vụ thu hoạch chính với tiêu giống Vĩnh Linh và tiêu Trung, giá sẽ giảm theo quy luật hàng năm nhưng giá tiêu vẫn cao ngất ngưởng, bình quân 200 ngàn đồng/kg. Giá cao thời gian dài là động lực làm bùng nổ diện tích trồng mới, tạo áp lực lên các cây trồng công nghiệp khác như cà phê, nhất là cao su khi giá xuống quá thấp. Đã xuất hiện tình trạng trồng hồ tiêu xen trong vườn cà phê, điều hay chặt cao su trồng hồ tiêu.
Theo khảo sát của các chuyên gia, diện tích hồ tiêu trồng mới trong 2 năm 2013 và 2014 lên đến 10.000 ha/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện nay, diện tích hồ tiêu cả nước đã đạt 80.000ha so với quy hoạch là 50.000ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch 52.000ha với năng suất bình quân 2,4 tấn/ha/năm. Năm 2014, Bình Phước có 12 ngàn ha hồ tiêu, trong đó 9.000 ha cho thu hoạch. Tuy chưa có số liệu tổng hợp nhưng theo dự báo mùa trồng mới năm 2015, diện tích hồ tiêu xuống giống sẽ gấp 3-4 lần so với năm trước.
Nhưng điều đáng lo ngại không phải là diện tích tăng quá nhanh, không thể kiểm soát mà là việc mở rộng diện tích tràn lan tiềm ẩn nhiều nguy cơ về năng suất, chất lượng, dịch bệnh. Giá tiêu quá cao nên người dân đua nhau trồng tiêu ở bất cứ đâu, bất chấp điều kiện đất đai, thổ nhưỡng có cho phép hay không. Việc người dân ồ ạt chuyển đổi toàn bộ diện tích đất (cao su, cà phê) sang trồng tiêu hết sức nguy hiểm vì sẽ không có nguồn thu trong 2 - 3 năm đầu, cây tiêu rất mẫn cảm dễ chết hàng loạt trong khi đầu tư ban đầu quá lớn và một điều đáng lo sợ là những năm tới giá tiêu hạ, người dân lại phá bỏ tiêu để trồng bắp, hoa màu... như từng xảy ra với các loại cây khác.
Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Hà Nam, chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết không chỉ tăng nóng về diện tích, phát triển ngành tiêu của VN thời gian qua tiềm ẩn rủi ro rất cao vì cả nông dân và doanh nghiệp đều chạy theo năng suất và sản lượng thay vì chất lượng. “Tỉ lệ tiêu chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế không tăng, điều này tạo ra rủi ro cực lớn khi nguồn cung tiêu trên thế giới dư thừa”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn