Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng quán triệt Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an. Theo đó, Quyết định số 22 bao gồm 16 Điều và 2 mẫu biểu, trong đó quy định rõ ràng về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay... và trong đó có quy định cụ thể về nguồn vốn cho vay để thực hiện quyết định.
Việc quy định các nguồn vốn để bố trí cho vay theo Quyết định số 22 thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua NHCSXH để cho vay. Thực hiện nội dung này cũng chính là góp phần thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận đánh giá cao Bộ Công an đã đề xuất xây dựng chính sách này để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành. “Nội dung các đồng chí chọn rất đúng, rất trúng vì người chấp hành xong án phạt tù, người lầm lỗi có tự ti, có khó khăn trong việc tái hoà nhập cộng đồng. Việc tham mưu chính sách này cho thấy Bộ Công an không những trấn áp hiệu quả các loại tội phạm mà rất chú trọng việc thực hiện chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện, giúp đỡ người lầm lỗi hoà nhập cộng đồng nhanh chóng, góp phần đảm bảo ANTT ở địa phương” – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đã chỉ đạo 7 nội dung, yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện để Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thống nhất, hiệu quả. Cụ thể, Bộ Công an cần chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai Quyết định số 22 có hiệu quả, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đưa chính sách nhân văn, nhân đạo này thực sự đi vào trong thực tế đời sống; Đồng thời tích cực tham mưu HĐND, UBND tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ.
NHCSXH cần triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, cần chủ động để bảo đảm nguồn vốn cho vay. Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm, thường xuyên tổ chức giám sát để việc thực hiện chính sách này theo đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định của pháp luật; các bộ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Bộ Công an, NHCSXH trong quá trình triển khai thực hiện. UBND các cấp, các ban, ngành đoàn thể ở địa phương cần có nhận thức đúng đắn về vị trí quan trọng, mục đích, ý nghĩa của chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù và triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 22…”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương, thực hiện nghiêm túc Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại hội nghị, Công văn 3336 của Bộ Công an; việc thực hiện phải đúng, không được để xảy ra bất cứ sai phạm nào; đồng thời giao nhiệm vụ cho Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng theo dõi, chỉ đạo sát sao việc thực hiện.
Tác giả bài viết: Hương Trần