Có đi thực tế mới thấy được nỗi vất vả của người dân khi lưu thông trên những con đường lầy lội, trơn trượt này. Đây là con đường liên của tổ 2 thôn 3, con đường liên thôn này có chiều dài khoảng 2km nhưng có trên 1 km bị hư hỏng lầy lội và trơn trượt. Người dân lưu thông xe qua những đoạn này có khi phải dắt bộ chứ không thể chạy được, bà Nông Thị Thắm, thôn 3, xã Đăng Hà là người dân đi qua đoạn đường này hàng ngày để vào vườn rẫy của mình cho biết: Đoạn đường này xuống cấp quá, sình lầy quá bây giờ đi không nổi nữa, xe máy cũng không đi được, xe đạp còn phải dắt nữa, mong chính quyền giúp cho một ít để hỗ trợ cho tổ, cho thôn sửa chữa con đường này để người dân bớt khổ.
Cũng với tình trạng đó, đường liên thôn, liên tổ của Thôn 1 với chiều dài khoảng 10km thì có 5km bị hư hỏng nặng. Nhiều đoạn sình lầy ngập hơn nửa bánh xe, việc đi lại trên đoạn đường này là ác mộng đối với phụ nữ, người già và trẻ em. Anh Triệu Văn Tích, trưởng Ban quản lý Thôn 1cho biết: nhiều người dân trong thôn khi đi ra xã liên hệ công việc, đi ăn tiệc, trẻ em đi học phải quay về giữa chừng, để về nhà thay quần áo vì bị té khi đi qua những đoạn đường hư hỏng. Các thôn 1,2 và 3 xã Đăng Hà có diện tích tự nhiên trên 3000 héc ta, thì trong đó có trên 1500 héc ta là ruộng, người dân chủ yếu canh tác bằng nghề trồng lúa và ngô. Đầu năm thôn đã vận động nhân dân đóng góp hàng chục triệu đồng để tu sửa những đoạn bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, hiện nay đang vào mùa mưa và là thời điểm thu hoạch nông sản, nên các loại xe gặt lúa, xe của các tư thương vào mua lúa lưu thông nhiều đã làm cho mặt đường hư hỏng nặng thêm. Anh Tích cho biết thêm, do đường xấu việc đi lại, vận chuyển các mặt hàng nông sản của bà con như lúa, ngô ra trung tâm xã gặp nhiều khó khăn, do đó khi tư thương đưa xe vào mua thường ép giá làm giảm nguồn thu của người dân.
Phó chủ tịch UBND xã Đăng Hà Lê Quang Hiện cho biết: Thôn 1,2 và 3 có trên 600 hộ dân, trên 3.500 khẩu, trong đó có 90% đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn do đó việc vận động đóng góp của người dân gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn các thôn có khoảng 20 km đường liên thôn, liên tổ thì có trên 60% đường bị hư hỏng nặng. Mặc dù xã rất quan tâm đến vấn đề này và đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện, tỉnh và cả trung ương tại các cuộc tiếp xúc cư tri để có hướng giúp đỡ địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ông Hiện cho biết thêm: Trong năm 2017 địa phương cũng có nhiều kiến nghị với các ngành như phòng Kinh tế - Hạ tầng và UBND huyện về việc tu sửa đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, Chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo Ban quản lý các thôn vận động nhân dân đào dất, nạo vét khai thông rãnh nước để đảm bảo cho bà con đi lại, nhưng trong thời gian vừa qua thì với thời tiết bất thường trên địa bàn xã đã mưa trên 20 ngày đã làm nhiều đoạn đường úng nước và đúng vào dịp bà con nhân dân đang thu hoạch vụ mùa nên các phương tiện như máy cày, các xe vào mua, vận chuyển lúa cho bà con đã làm sình lầy và hư hỏng. Với tình hình thực tế như vậy UBND cũng vận động BQL các thôn khắc phục, nhưng đến nay vẫn không khắc phục được và cũng có đề nghị, kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các ngành kịp thời hỗ trợ đào đắp, sửa chữa cho nhân dân trong thời gian sớm nhất.
Thời điểm này đang là mùa mưa và chuẩn bị bước vào năm học mới, tất cả con em trong các thôn đều phải đi qua những đoạn đường lầy lội, sình lầy và trơn trượt như thế này để đến lớp.
Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, vì khi các em đi qua những đoạn đường này sẽ có nguy cơ tai nạn thương tích đối với các em. Qua đây rất mong các ngành, các cấp liên quan cần sớm có những giải pháp, hành động cụ thể để giúp ngươi dân nơi đây sớm có con đường mới đẹp hơn và an toàn hơn.
Anh Thắng – Lê Hoàng