Trong Nghị quyết 11 có vấn đề về cắt giảm đầu tư công. Ở đây tôi muốn khẳng định lại: khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 11 thì các đại biểu sẽ thấy có dùng từ cắt giảm đầu tư công nhưng trong thực tế Nghị quyết 11 không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí của năm 2011 của các bộ, ngành và các địa phương về Trung ương. Đây là điểm mà có thể nhiều vị ĐBQH chưa xem xét kỹ. Thực tế, đến phút này Chính phủ chưa thu hồi, chưa cắt một đồng nào về kế hoạch đã bố trí bằng số lượng cụ thể giao cho các bộ, ngành và địa phương.
Từ cắt giảm trong Nghị quyết 11 chỉ dùng mấy cho vấn đề. Thứ nhất là không được kéo dài việc thực hiện các khoản vốn đầu tư đã cấp cho năm 2010. Như những năm trước là cho kéo dài thực hiện trong 6 tháng, thậm chí nhiều hơn của năm sau là năm 2011. Như vậy kết thúc năm 2010 là cắt giảm toàn bộ các khoản vốn đầu tư đã cấp cho năm 2010. Riêng khoản này giảm được 5.000 tỷ đồng.
Thứ hai, không cho ứng trước ngân sách của năm 2012, kể cả trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước, riêng các khoản này đã khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng. Nếu bình thường không có Nghị quyết 11 thì số lượng vốn như vậy, thậm chí hơn nữa, sẽ được ứng ra để thực hiện cho năm 2012 và con số này cũng không được đưa vào thực hiện trong năm 2012. Đó cũng là cắt giảm.
Thứ ba, không cho phép khởi công mới các công trình. Đây cũng là điểm gây khó khăn cho các địa phương và các bộ, ngành. Tư tưởng của Nghị quyết 11 là rà soát, sắp xếp lại các dự án để tập trung hơn. Trước đây vốn ít nhưng bố trí rất nhiều dự án nên kéo dài, không dự án nào hoàn thành, trong Nghị quyết 11, Chính phủ yêu cầu không khởi công mới, tránh tiếp tục dàn trải. Và một yêu cầu nữa là đối với vốn đã bố trí cho dự án là các địa phương, các bộ, ngành soát xét lại theo tính cấp thiết của dự án để dồn cho những dự án có thể hoàn thành trong năm 2011. Đây là ưu tiên số 1 của Nghị quyết 11. Như vậy, cắt giảm đầu tư công nêu trong Nghị quyết 11 chủ yếu là sắp xếp lại để tập trung hơn, hiệu quả hơn, còn không có chuyện cắt giảm thu về Trung ương.
Trong tổng số các dự án cắt giảm theo nghĩa không cho khởi công, thực hiện đến hết tháng 9, chúng ta đã cắt giảm và điều chuyển 81.500 tỷ đồng, trong đó giảm theo kiểu không được đưa ra khoảng 3.000 tỷ đồng ở mấy vấn đề như tôi vừa nêu như: không cho ứng trước, không cho kéo dài, giảm bố trí trái phiếu Chính phủ khoảng 15.000 tỷ đồng so với năm 2010. Các tổng công ty Nhà nước, các tập đoàn Nhà nước cắt giảm không đầu tư theo kế hoạch là 39.212 tỷ đồng. Hai khoản này trên 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra chúng ta cắt giảm tín dụng đầu tư là cắt hẳn không phát hành nữa 3.000 tỷ đồng, tương đương với 10% so với con số 28.000 tỷ đồng Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, như vậy tín dụng đầu tư chỉ còn 25.000 tỷ đồng.
Chúng tôi cho rằng, về cơ bản, các địa phương, bộ, ngành đã thực hiện rất nghiêm nhưng cắt giảm đầu tư công khác với cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Trong Nghị quyết 11 yêu cầu cắt giảm chi tiêu thường xuyên 10%, Bộ Tài chính ra lệnh lập tức tất cả các bộ, ngành, địa phương cắt luôn trên phần chi cho địa phương và cho các bộ, ngành 10%, tổng số khoảng 3.800 tỷ đồng. Riêng về đầu tư công chúng ta đều biết là rất khó khăn, rất phức tạp. Những dự án đưa ra trong kế hoạch năm 2011 (tháng 12.2010), các bộ, ngành và các địa phương tốn nhiều công sức để chuẩn bị đầu tư thiết kế, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đấu thầu, vừa mới xong, đến 24.2.2011 Chính phủ yêu cầu cắt đình giảm lại. Cho nên cũng không thể trình lên cắt là cắt ngay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ làm việc với các địa phương và các bộ về vấn đề này, chúng tôi thấy rất khó khăn với các địa phương. Đây là vấn đề khó, nhưng là biện pháp bắt buộc để chúng ta kiềm chế lạm phát, nên đã nhận được sự đồng tình, đồng thuận cao của các địa phương, các bộ, ngành. Việc thực hiện cắt giảm tương đối nghiêm túc.
Bùi Quang Vinh
ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
PV ghi (Theo http://daibieunhandan.vn)
Lê Hoàng.St
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn