Gia đình ông Trần Công Ánh, nông dân sản xuất giỏi ở thôn 3 xã Đoàn Kết có 5 ha điều. Vườn của ông là một trong số những những vườn điều nhiều năm cho năng suất cao tại khu vực này, bởi vườn điều có địa thế bằng phẳng, dễ canh tác, gia đình ông lại thường xuyên áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên vụ điều năm nay, với những tác động xấu của thời tiết, toàn bộ diện tích 5 ha bị ảnh hưởng nặng nề. Những trận mưa đầu vụ bất thường, rồi nắng gắt khiến cho bông điều bị khô, trái non bị héo rụng. Không những thế, nhiều cây lại không ra bông, cành lá khẳng khiu, trơ trọi. Ông Ánh cho biết năm ngoái vào thời điểm tháng 2 này, gia đình đã thu hoạch được vài tấn, năng suất cả vụ được trên 13 tấn, trị giá trên 400 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với vụ điều năm nay, rẫy điều của ông bị mất mùa nặng. Ông nhận định, năng xuất năm nay chỉ đạt 50 đến 60% so với vụ trước.
Cũng là một trong số những vườn điều nhiều năm được mùa, nhưng năm nay, hơn 6ha điều của gia đình ông Trần Minh Út chủ tịch hội nông dân thị trấn Đức Phong cũng rơi vào tình trạng kém năng suất. Bông điều ra đều, song do gặp thời tiết xấu cũng khô rụng, nhiều chùm hoa không thể đậu trái, có đậu thì cũng teo, lép, hoặc chỉ thưa thớt vài trái. Số cây đạt năng suất rất ít. Không những thế tình hình sâu bệnh gây hại, đặc biệt là sâu đục thân đã gây ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như vòng đời của cây điều. Đi thăm một số vườn điều của bà con nông dân khu vực lân cận, thực tế cũng tương tự như vườn điều của hộ ông Ánh và ông Út. Vấn đề điều được mùa thì mất giá, hoặc ngược lại được giá thì mất mùa đã khiến cho người trồng điều hết sức băn khoăn, nhưng thực tế năm nay, ngay từ đầu mùa thì điều ở nhiều địa phương trong huyện đã thấy rõ bị mất mùa, không những thế giá hạt điều thô thì lại chỉ bằng nửa so với năm trước. ( đầu vụ năm 2011 giá điều lên tới 42.000 ngàn/kg, nhưng đầu vụ năm 2012 chỉ có 26.000 và hiện tại chỉ giao động trên, dưới 20.000/kg). Thực trạng điều vừa mất mùa, vừa mất giá khiến nhiều bà con nông dân hết sức lo lắng. Những hộ có kinh tế khá sẵn sàng cưa điều để trồng cao su, hoặc chuyển đổi sang các cây trồng khác, còn hộ nghèo thì chặt bỏ điều cũng không được mà để thì cũng không muốn chăm sóc nữa, nguy cơ tái đói, tái nghèo lại hiện hữu.
Quang Minh