hien ke

TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG SINH HOẠT ĐẢNG – GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XII).

Thứ ba - 28/03/2017 15:07 2978

TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG SINH HOẠT ĐẢNG – GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XII).

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã đề ra và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhóm nhiệm vụ, giải pháp “về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình” được xác định là nhóm nhiệm vụ, giải pháp số một. Điều đó cho thấy tự phê bình và phê bình có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.  

 Tự phê bình và phê bình là vấn đề rất quan trọng, là một trong những quy luật phát triển của Đảng và là nguyên tắc, là chế độ thường xuyên trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Đảng ta yêu cầu mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, trong đó đặc biệt chú ý đến phê bình và tự phê bình từ trên xuống dưới, cán bộ lãnh đạo phải làm gương cho cấp dưới, phải thể hiện đúng bản lĩnh của người cán bộ cách mạng.

Thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý giúp đồng chí, đồng nghiệp và tự kiểm điểm lại bản thân xem cái làm được và chưa làm được, làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa cái chưa hay, cái khuyết điểm, sai lầm. Phê bình là để giúp nhau cùng tiến bộ, vững vàng hơn, thể hiện tình cảm chân thành chứ không phải lợi dụng phê bình để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau, thậm chí xúc phạm danh dự, xỉ vả nhau, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khối đoàn kết nội bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Phê bình nhằm mục đích cao cả là giúp nhau nhận ra, để sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ, ngày càng đoàn kết và gần gũi nhau hơn. Nhưng để phát huy được giá trị của phê bình, người phê bình cũng cần phải tự xem xét, tự phân tích, tự phê bình mình. Tự phê bình là phân tích hành vi, những khuyết điểm của chính bản thân mình và từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, để cảm thông và chia sẻ nhằm giúp đồng chí mình nhận thức rõ hơn những sai sót, khuyết điểm còn mắc phải để cùng nhau khắc phục. Do đó, tự phê bình và phê bình chính là nhằm củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của mọi cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng nghị quyết và lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ, chi bộ và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Thực chất tự phê bình và phê bình chính là giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức đảng dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc và Điều lệ của Đảng, trong mối quan hệ của những người đồng chí cùng mục đích, lý tưởng. Tự phê bình và phê bình vừa mang tính cách mạng và khoa học, vừa mang tính nhân văn, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện. Do đó, tự phê bình và phê bình đòi hỏi tính đảng, tính nguyên tắc cao, phải khách quan, trung thực, thẳng thắn, chân thành, công khai, có lý, có tình, phải được thực hiện nhằm mục đích xây dựng và “Phải có tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, cần tránh hiện tượng thổi phồng hoặc bóp méo sự thật và đặc biệt cần tránh thành kiến, định kiến, thái độ ghen ghét, ganh tỵ với cá nhân nào đó để rồi luôn chú tâm đến những khuyết điểm của họ, cho dù đó chỉ là một khuyết điểm nhỏ cũng đem ra cuộc họp chi bộ để phê bình còn những việc làm tốt, cách làm hay thì chẳng để ý, chẳng khen ngợi, chẳng quan tâm học hỏi.  

Cái khó nhất của tự phê bình là phải tự đặt mình vào vị trí của người khác để phê bình. Theo lẽ thường tình thì người ta ai cũng muốn được khen, không muốn bị phê bình, muốn người khác nói tốt về mình và muốn nói về những cái tốt của mình hơn là nói về những điều chưa tốt, những thiếu sót của mình. Đây là một hạn chế, một trở lực, nó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thành khẩn, phải biết lắng nghe, phải không ngừng học hỏi và rèn luyện đạo đức cách mạng. Nếu cán bộ, đảng viên không tự xem xét, không tự phê bình mình thì không bao giờ tiến bộ được.

Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau thì mới phát huy được cao độ giá trị. Ai cũng có những ưu điểm của mình và lúc cũng có lúc sẽ mắc phải những khuyết điểm, sai sót. Vì vậy, phê bình cùng lúc phải hướng đến hai mục đích: Một là, phải cổ vũ, phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt và hai là tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa cái chưa hay, cái khuyết điểm, sai lầm nhằm hướng đến hoàn thiện, tiến bộ hơn. Nếu chỉ nói cái xấu, chỉ trích nhau là sai lệch, làm mất ý nghĩa của phê bình, nhưng nếu cổ vũ ưu điểm, những thành quả đạt được không đúng mức sẽ trở thành tâng bốc, xua nịnh và nó sẽ là cơ hội, là đồng minh của chủ nghĩa cá nhân, của việc kết bè kết cánh, cục bộ gây mất đoàn kết, làm giảm sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Do đó, đòi hỏi người phê bình phải suy nghĩ thật kỹ về điều mình sẽ trình bày, không thêm bớt ưu, khuyết điểm, càng khách quan bao nhiêu càng mang lại hiệu quả, càng phát huy ý nghĩa bấy nhiêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Khi phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”.

Muốn việc phê bình đạt hiệu quả thì bản thân người lãnh đạo phải thực sự khách quan, công tâm, đánh giá cán bộ phải thể hiện quan điểm toàn diện trên từng mặt ưu và khuyết điểm. Bản thân người phê bình không nên quên trách nhiệm: Phê bình để xây dựng, phê bình để người ta nhận ra những ưu điểm, những kết quả tốt đẹp và đồng thời nhận ra sai sót, khuyết điểm chứ đừng làm người ta mặc cảm. Trước khi phê bình, cần phải kiểm điểm lại bản thân mình có nóng giận không? Có thành kiến cá nhân không? Vì rằng tất cả những điều này sẽ bộc lộ rõ trong thái độ, lời nói, đối tượng và những người trong cuộc họp sẽ nhận ra ngay. Khi phê bình cần nắm vững thực chất của vấn đề, xác định rõ mức độ, yêu cầu của việc phê bình, lựa chọn phương pháp, cách thức, lời lẽ thích hợp, tránh gây phản cảm khó chịu cho người bị phê bình. Việc phê bình không đúng phương pháp, không có tinh thần đồng chí, không có tinh thần xây dựng, không có tinh thần trách nhiệm thì chẳng những phản tác dụng mà còn làm cho người bị phê bình thấy khó chịu, khó tiếp thu, dễ sinh ra tự ái, từ đó dẫn đến nhụt chí, không muốn phát huy năng lực. Việc phê bình không đúng phương pháp sẽ trở thành hành động có tính chất trù dập, thậm chí là hại người chứ không phải mong muốn đối tượng bị phê bình ngày càng tiến bộ theo đúng nghĩa của nó và chính bản thân người phê bình cũng đã tự làm mình trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, tầm thường.

Là người đảng viên cộng sản chúng ta cần nhớ rằng: Phê bình là một hành động cách mạng, là một cử chỉ văn hóa, tiếp thu phê bình cũng phải là một cử chỉ văn hóa, vì lợi ích và sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc. Nói cho cùng, phê bình nên nắm thực chất vấn đề, không cần nhiều lời mà vấn đề quan trọng nhất là chân thành và có thiện chí. Thông thường, người ta chỉ thích được khen mà không thích bị chê, cho nên phê bình trực tiếp giữa buổi họp mà người nghe không thấy tức tối, khó chịu là đã thành công trong việc giúp đồng chí mình quyết tâm sửa chữa và tiến bộ hơn. Đã là người cách mạng chúng ta cần nhận thức đúng đắn tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng là điều thiết yếu như không khí đối với sự sống.

Tóm lại, ở từng tổ chức cơ sở đảng, tự phê bình và phê bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Thành thật với mình, thành thật với người, đó chính là nhân cách, là hành vi cao thượng, là trách nhiệm của con người nói chung và đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi mà Đảng ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình sẽ là cơ sở, là yếu tố góp phần để các cấp ủy đảng thực hiện thắng lợi nghị quyết mà Đại hội Đảng các cấp đã đề ra và đó cũng là tiền đề để các cấp ủy tiếp tục phát huy dân chủ, khơi dậy trí tuệ của từng cán bộ, đảng viên, từng cấp ủy trong việc xây dựng, lãnh đạo thực hiện nghị quyết các cấp trong thời gian sắp tới./.

Hàn Phương

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Số kí hiệu Trích yếu
16/LLV-UBND

Thời gian đăng: 14/04/2024

Lịch làm việc UBND huyện tuần thứ 16/2024

PHẢN ÁNH KIẾN NGHỊ
1022
speed
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay243
  • Tháng hiện tại99,502
  • Tổng lượt truy cập18,575,564
THÔNG TIN QUY HOẠCH
 
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
4 congbao
 
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào

giam ngheo
DON THU KHNTC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây