Trưởng thành từ cơ sở
Có thể xem cuộc đời cách mạng của đồng chí Võ Chí Công là hiện thân của một thế hệ cách mạng tài trí, kiên cường trưởng thành từ cơ sở. Là một thanh niên yêu nước giàu nhiệt huyết, tắm mình trong phong trào cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Kỳ, sau khi Đảng ra đời, cả một lớp thanh niên yêu nước lúc bấy giờ chuyển sang khuynh hướng vô sản như một điều tự nhiên.
Ông gia nhập Đảng Cộng sản năm 1935, rồi dần dần trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt trong vùng những năm sau đó. Mật thám địa phương xem ông là một phần tử cực kỳ nguy hiểm, đã nhiều lần tổ chức vây bắt. Tháng 6/1943, do có sự phản bội, chỉ điểm ông đã bị mật thám Pháp bắt, bị đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột với mức án 25 năm tù cấm cố. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông được tha và trở về tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng, được tỉnh uỷ giao nhiệm vụ chủ trì công việc của Uỷ ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ông đã cùng với các đồng chí lãnh đạo đề ra kế hoạch hành động một cách sáng tạo và hết sức linh hoạt, đã nhanh chóng giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa này. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Võ Chí Công trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Quảng Nam - Đà Nẵng phụ trách tư pháp và bắt đầu gắn liền sự nghiệp cách mạng của mình với sự nghiệp xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang ở Khu V.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Liên khu V được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Đồng chí Võ Chí Công và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương giao phó. Từ kinh nghiệm quí báu của hoạt động giúp bạn, trong kháng chiến chống Mỹ, Khu V đã hơn một lần được Trung ương chỉ định giúp cách mạng các nước anh em.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Liên khu V bao gồm cả Trường Sơn - Tây Nguyên là địa bàn địch đánh phá vô cùng khốc liệt. Lường định trước tình hình, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Võ Chí Công đang tham gia cải cách ruộng đất ở Việt Bắc bí mật trở lại Khu V, trên một chuyến bay của Pháp, cùng đồng chí Lê Đức Thọ vào Nam Bộ, tổ chức cuộc chiến đấu của Khu V trong tình hình mới.
Từ đó, trên cương vị là quyền Bí thư rồi Bí thư Khu uỷ kiêm Chính uỷ Quân khu V cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Võ Chí Công đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng miền Nam. Do bám sát cơ sở, bám sát phong trào, lại trung thành và kiên định, từ thực tiễn chỉ đạo cách mạng Khu V, đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược mang ý nghĩa phổ quát của con đường cách mạng miền Nam, đó là con đường dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của quân thù.
Sau phong trào đồng khởi thắng lợi, giữa năm 1961, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào Nam Bộ làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tháng 3/1962, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch và là đại diện của Đảng nhân dân cách mạng miềm Nam Việt Nam bên cạnh Mặt trận.
Vốn là người sâu sát phong trào, đồng chí đã xuống nhiều địa phương của Nam Bộ để nghiên cứu, khảo sát đúc kết kinh nghiệm chống bình định, phá ấp chiến lược, chống chiến thuật trực thăng vận và chiến xa vận của địch trong chiến tranh đặc biệt.
Kiên định lập trường, sáng tạo linh hoạt trong thực hiện
Với vị trí địa lý trọng yếu của mình, Khu V là nơi quân viễn chinh Mỹ chọn làm địa bàn để đổ bộ những đơn vị chiến đấu đầu tiên thiết lập đầu cầu triển khai cuộc chiến tranh cục bộ, và thành phố Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất ở miền Nam trong suốt cuộc chiến tranh.
Khu V dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn 1 đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh cục bộ.
Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt lớn, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ buộc chúng phải hiểu rằng không thể thắng được dân tộc ta trong cuộc chiến tranh này. Với sự lãnh đạo linh hoạt của Khu uỷ V, trên chiến trường Khu V, quân dân ta tiến công vào các thành phố thị trấn, đạt mục tiêu rồi rút ngay, nên thiệt hại cũng ít hơn so với các nơi khác.
Về sự kiện lịch sử này đã có nhiều ý kiến khác nhau. Với tư cách là người lãnh đạo ở một chiến trường khốc liệt nhất, đồng chí Võ Chí Công cho rằng không thể chỉ đòi hỏi chiến thắng mà không có tổn thất ít nhiều.
Hiệp định Paris được ký kết, nhưng là một người lãnh đạo chiến trường, từ kinh nghiệm xương máu sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí không ảo tưởng sẽ có hoà bình, đã tiến hành lãnh đạo công tác tư tưởng trong toàn quân khu. Nhưng sau những năm kháng chiến khốc liệt kéo dài, lúc đầu nhiều cán bộ, chiến sĩ còn có tư tưởng xả hơi khá nặng đã để địch lấn chiếm một số vùng giải phóng của ta. Đảng bộ Khu V lập tức xốc lại đội ngũ, kiên quyết tiến công địch, giành đất, giành dân, phát triển thực lực mọi mặt của cách mạng, góp phần đẩy nhanh sự suy yếu của nguỵ quân, nguỵ quyền sau khi Mỹ đã rút, dẫn đến sự sụp đổ của chúng trong mùa Xuân 1975.
Với đòn đánh hiểm vào Buôn Ma Thuột thắng lợi, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên làm cho kẻ địch choáng váng, liền sau đấy tại mặt trận Huế-Đà Nẵng, nắm bắt thời cơ xuất hiện, đồng chí Võ Chí Công đã đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn nên chớp thời cơ, lãnh đạo quân và dân Khu V phát huy lợi thế tại chỗ, kết hợp với các đơn vị chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh, nhanh chóng xoá sổ Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật của địch, đánh tan 10 vạn tàn quân địch đã hoang mang, rệu rã, giải phóng thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng Sài Gòn-Gia Định vào ngày 30/4/1975 lịch sử.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trên nhiều cương vị trọng trách mà Đảng giao phó, đồng chí Võ Chí Công với cuộc đời hoạt động cách mạng dày dạn kinh nghiệm, sôi nổi và phong phú, đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Suốt cả cuộc đời trọn 100 năm và hơn 80 năm chiến đấu trên con đường cách mạng vẻ vang mà Đảng và Bác Hồ vĩ đại đã chọn , đồng chí Võ Chí Công luôn kiên định lập trường nguyên tắc của Đảng, nhưng thực hiện sáng tạo và linh hoạt mọi nhiệm vụ được giao với nghị lực phi thường của người cộng sản. Đạo đức của đồng chí luôn thể hiện cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Phong cách lãnh đạo dễ gần gũi quần chúng, được nhiều người mến phục.
Đối với nhân dân và các lực lượng vũ trang Quân khu V, đồng chí Võ Chí Công là hiện thân của sự đoàn kết, nhất trí, của tinh thần cách mạng kiên cường, của ý chí vượt qua gian khổ, khó khăn vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì quê hương giàu mạnh, phát triển không ngừng.
Sự ra đi của đồng chí Võ Chí Công là tổn thất vô cùng to lớn của quân và dân Khu V nói riêng, của toàn Đảng, Toàn quân, toàn dân ta nói chung. Các lực lượng vũ trang Quân Khu V nguyện học tập tấm gương sáng ngời của đồng chí Võ Chí Công, ra sức xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền , toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo chinhphu.vn
Đồng chí Võ Chí Công (bên phải) ở chiến trường Khu V. Ảnh tư liệu (CAND)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn