Thực hiện nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hầu hết các hoạt động của NHCSXH đều diễn ra ở cơ sở như: giao dịch, tuyên truyền, quản lý vốn… Do vậy, chủ tịch UBND xã có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý nguồn vốn. Tuy nhiên, trước đây, chủ tịch UBND xã chỉ tham gia các hoạt động của NHCSXH như: chứng thực hồ sơ, xử lý nợ, tham gia các ý kiến về quản lý nợ…, việc tham gia đó chưa có sự ràng buộc nên vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã chưa cao. Khi là thành viên chính thức của Ban đại diện cấp huyện, chủ tịch UBND xã được phân công nhiệm vụ quản lý vốn tại xã, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban tại xã cũng như các cuộc họp Ban đại diện huyện.
Xã Đường 10, huyện Bù Đăng là một trong những xã thực hiện tốt công tác quản lý vốn và triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đến nay, tổng dư nợ toàn xã đạt hơn 38 tỷ đồng, với trên 791 hộ còn dư nợ, đặc biệt, hơn 5 năm trở lại đây, xã không có nợ quá hạn, toàn xã có 18 tổ tiết kiệm và vay vốn đều xếp loại tốt. Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng và UBND xã, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch UBND xã.
Ông Nguyễn Cảnh Thảo, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Đường 10 cho biết: Từ khi trở thành thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện, tôi thường xuyên tham gia họp giao ban với NHCSXH tại xã. Ngoài ra, tham gia các cuộc họp định kỳ của Ban đại diện HĐQT cấp huyện để kịp thời nắm bắt chính sách tín dụng mới, có ý kiến, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng chính sách để được kịp thời tháo gỡ. Thường xuyên chỉ đạo Ban giảm nghèo xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách; tổ chức phân bổ vốn đến các thôn, đồng thời chỉ đạo trưởng thôn, Ban quản lý Tổ TK&VV phối hợp với các Hội đoàn thể họp bình xét cho vay công khai, dân chủ hơn qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng; gắn các phong trào làm kinh tế của hộ gia đình với việc phát động trong cộng đồng khu dân cư....qua đó từng bước làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, xã hội ở địa phương.
Chủ trương bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện được thực hiện từ năm 2015. Từ đó đến nay, chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn huyện đã khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở.
Ông Hạp Tiến Khoa, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Khi có sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND xã, công tác phối hợp giữa chính quyền với ngân hàng được thực hiện thuận lợi. Việc chỉ đạo đối với ban giảm nghèo xã, trưởng thôn quyết liệt hơn, công tác phối hợp với các Hội, đoàn thể trong thực hiện các chính sách vốn, quản lý vốn tốt hơn. Đặc biệt, khi chủ tịch UBND xã tham gia ban đại diện, các chương trình tín dụng được gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của xã như: các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Qua đó, hoạt động của NHCSXH được triển khai ở cơ sở thiết thực, hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao.
Cùng với đó, từ khi Chủ tịch UBND xã được bổ sung vào ban đại diện HĐQT cấp huyện, các biện pháp quản lý vốn như: đôn đốc, thu hồi nợ quá hạn, xử lý các vấn đề phát sinh, xác minh các trường hợp hộ vay bị rủi ro… được thực hiện quyết liệt. Đối với việc bình xét đối tượng vay, chủ tịch UBND xã chỉ đạo sát sao các tổ chức hội, đoàn thể xã, các thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn nên việc phối hợp bình xét công khai, dân chủ, đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, việc bố trí nơi giao dịch, bàn ghế, an ninh, đảm bảo hoạt động giao dịch tại xã diễn ra an toàn, hiệu quả.
Có thể khẳng định, từ khi Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện, vai trò, trách nhiệm quản lý vốn của UBND cấp xã được phát huy hiệu quả. Trong toàn huyện, các chương trình vốn được triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn; các Tổ Tiết kiệm và vay vốn được củng cố kịp thời. Chất lượng tín dụng từng bước nâng cao. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai trên địa bàn huyện là 350,2 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn chỉ còn chiếm 0,16% tổng dư nợ (có 5 xã không có nợ quá hạn).
Tác giả bài viết: Hương Trần
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn