Xác định Giáo dục lịch sử địa phương là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những nội dung của công tác giáo dục truyền thống trong nhà trường nhằm trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về quá trình hình thành, phát triển, truyền thống đấu tranh cách mạng của thế hệ cha anh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó góp phần hình thành trong tâm thức của thế hệ trẻ, ý chí quyết tâm xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng phát triển. Năm 2003, Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đăng đã chỉ đạo biên soạn “Tài liệu giảng dạy và học tập lịch sử địa phương” làm tài liệu cho các trường giảng dạy và học tập trên cơ sở của cuốn “Truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện Bù Đăng (1974 - 1994)”. Năm 2013, tài liệu được tái bản lần thứ nhất. Đến nay, để khắc phục một số hạn chế trong nội dung tài liệu nhằm phục vụ tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đăng đã chỉ đạo tổ chức chỉnh lý, bổ sung tài liệu “Giáo dục lịch sử huyện Bù Đăng” phù hợp với tiến trình lịch sử của huyện và bổ sung các nội dung mới gồm: Giai đoạn lịch sử từ sau khi tái lập tỉnh 1997 đến 2020; Các địa danh lịch sử, Thắng cảnh và truyền thống văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.
Dự và Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học tỉnh Bình Phước đánh giá cao nội dung tuyên truyền, đồng chí cho rằng: Tài liệu có bố cục rõ ràng, chặt chẽ, bám sát phân kỳ lịch sử. Tuy nhiên cần bám sát Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước; Cần bổ sung thêm số liệu, vai trò, sự giao thoa văn hóa của các dân tộc từ nơi khác đến tạo nên bản sắc “Đa dân tộc, đa văn hóa” tại địa phương./.
MỸ HIỆP