Theo quyết định mới, vùng khó khăn được quy định là vùng thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh bao gồm các xã, phường, thị trấn được quy định trong danh mục các đơn vị cấp xã thuộc vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ.
Vùng này còn gồm các thôn thuộc danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do cấp có thẩm quyền ban hành cho từng thời kỳ; các đơn vị hành chính thành lập trên cơ sở chia, tách, sáp nhập các đơn vị hành chính...
Quyết định cũng nêu rõ đối tượng được vay vốn. Cụ thể, đối tượng được vay vốn là các hộ gia đình theo quy định của pháp luật, bao gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại, thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm tại vùng khó khăn theo quy định và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Người vay vốn không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời người vay vốn không có dư nợ tại các chương trình cho vay: Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chương trình cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và các chương trình cho vay khác đối với hộ gia đình để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (nếu có).
Quyết định cũng bổ sung điều kiện vay vốn. Theo quy định mới, ngoài các điều kiện đã quy định trước đó, người vay vốn còn phải đảm bảo không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, người vay vốn không có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với một số chương trình nhất định.
Mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/người vay vốn với lãi suất cho vay bằng 9%/năm; lãi suất cho vay được điều chỉnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội. Người vay vốn không phải thực hiện đảm bảo tiền vay.
Tác giả bài viết: Hương Trần