Một trong số những người con sinh ra, lớn lên và gắn bó với Bom Bo từ trong kháng chiến chống Mỹ cũng như những ngày đầu thành lập xã, đó là Điểu Xây, dân tộc S’tiêng, ngụ thôn 6, Bom Bo. Điểu Xây cho biết, trước đây bà con đồng bào S’tiêng chưa biết cách làm ăn, kinh tế chưa ổn định. Nhưng từ khi có Đảng lãnh đạo, chính quyền chăm lo, bà con đã có rất nhiều tiến bộ, đời sống mọi mặt được nâng lên…
Điểu Xây (áo trắng) đang bán xăng cho khách
Nhờ biết làm ăn nên nhà Điểu Xây đã có 20ha rẫy điều, cao su, cà phê và đặc biệt là xây dựng Doanh nghiệp tư nhân cây xăng Vạn Đức. Thu nhập một năm trên, dưới một tỷ đồng. Ông là người dám nghĩ, dám làm, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, tiên phong với những cách làm ăn có hiệu quả, làm gương cho bà con đồng bào học tập làm theo. Điểu Xây khẳng định, những kết quả mà bà con đạt được hôm nay, đó là nhờ có Đảng bộ, chính quyền Bom Bo quan tâm chỉ đạo. Bà con rất tin tưởng và luôn ủng hộ Đảng bộ, chính quyền địa phương.
Ông Chu Văn Cửu, 40 tuổi, từ Hà Tĩnh vào thôn 5, xã Bom Bo lập nghiệp đúng vào dịp thành lập xã Bom Bo. Thấm thoát đã gần 13 năm trôi qua, trên một vùng đất có nhiều tiềm năng, cộng với những chính sách của nhà nước được thực thi vào cuộc sống, đến nay, gia đình ông Cửu và những hộ tới Bom Bo cùng thời điểm ấy, nay trở nên giàu có. Riêng gia đình ông có 12ha đất và một tiệm tạp hóa lớn nhất nhì thôn, thu nhập một năm trên 400 triệu đồng.
Ông Lê Tuấn Sơn – Chủ tịch UBND xã Bom Bo cho biết, trước đây, toàn xã Bom Bo chỉ có trên 5.500 nhân khẩu, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng/năm. Do đó, năm 2000, Chính phủ công nhận Bom Bo là xã đặc biệt khó khăn, để có những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Sau 12 năm thành lập đến nay, người dân Bom Bo tiếp tục khẳng định không những anh hùng trong chiến đấu mà còn vững mạnh trong phát triển kinh tế, xã hội thời kỳ đổi mới.
Toàn cảnh trung tâm xã Bo Bo
Đến nay, xã có trên 11.000 dân. Tốc độ tăng truởng kinh tế bình quân đạt 13,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 11 triệu đồng/năm, tăng gấp 5 lần so với ngày thành lập xã. Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 82%; 100% hộ có điện thoại, 93% được sử dụng nguồn nước sạch. Hiện nay, Bom Bo chỉ còn 3,6% hộ nghèo. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển đồng đều. Khi xã mới thành lập, số phòng học trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì tới nay, Bom Bo đã có 6 trường học ở các cấp, từ mầm non, tới trung học phổ thông. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi chiếm 97%. Xã đã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ngày được quan tâm chú trọng. Các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của bà con nhân dân được đầu tư, xây dựng. Đời sống mọi mặt đều được phát triển rõ nét.
Thành quả đạt được của Bom Bo hôm nay, ngoài sự năng động của người dân địa phương, còn thể hiện sự kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ trẻ. Những thế hệ con cháu của sóc Bom Bo ngày xưa, nay lại tiếp tục chiến đấu trên mặt trận sản xuất, phát triển kinh tế, chinh phục khoa học kỹ thuật, làm chủ tương lai, tiếp tục xây dựng xã Bom Bo anh hùng. Đồng chí Trương Quang Khoa – Bí thư Đảng ủy Bom Bo khẳng định: “Thành tựu đạt được của Bom Bo trong 12 năm thành lập là hết sức to lớn, đây là nền tảng để Bom Bo tiếp tục vươn lên sánh vai cùng với các địa phương trong huyện, trong tỉnh”. Theo đồng chí, Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Bom Bo lần thứ IV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14%; thu nhập bình quân đầu người đến cuối nhiệm kỳ đạt 25 triệu đồng/năm; 100% trẻ em được ra lớp đúng độ tuổi; 85% chi bộ đảng đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu kém.
Với tinh thần phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết và đổi mới, hy vọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bom Bo sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần vào công cuộc xây dựng huyện Bù Đăng ngày càng giàu đẹp./.