HUYỆN BÙ ĐĂNG - BÌNH PHƯỚC

https://budang.binhphuoc.gov.vn


Những đổi thay ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng – sóc Bom Bo, xã Bình Minh, Bù Đăng.

Những đổi thay ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng – sóc Bom Bo, xã Bình Minh, Bù Đăng.
Chúng tôi có dịp trở lại Sóc Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng) chứng kiến sự đổi thay trên mãnh đất tình người.

Điều ấn tượng với chúng tôi là khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng – sóc Bom Bo, xã Bình Minh đã có nhiều thay đổi trong cách thức trưng bày, đa dạng hóa các sản phẩm mang đạm nét văn hóa người S’Tiêng góp phần quảng bá nét văn hóa dân tộc S’Tiêng đến với du khách gần xa như: Những chiếc gùi lên nương bằng tre, những bộ trang phục lễ hội bằng thổ cẩm, những chiếc tù và bằng sừng trâu, móc khóa hình chú voi, các bài thuốc gia truyền của người S’tiêng như: Chuối rừng, rượu cần với men lá, bầu hồ lôđựng nước lên nương, đồ gỗ mỹ nghệ trang trí… mang đậm nét văn hóa của đồng bào S’Tiêng gắn với hoạt động hằng ngày đã thu hút sự chú ý của du khách gần xa trong và ngoài huyện. Du khách Phạm Đình Hòa, thôn 3, xã Bom Bo, Bù Đăng cho biết: “Lần đầu tiên đến đây qua bài hát tiếng chày trên sóc bom bo, cũng biết phần nào nhưng chưa lần nào đến đây, bản thân muốn đến tìm hiểu khu bảo tồn sóc bom bo như thế nào. Đến đây, tôi cảm thấy vui, mong khu bảo tồn sớm hoàn thành các hạng mục vui chơi để có khu du lịch, khu di tích của người S’Tiêng hoàn thiện thu hút du khách tham quan khu di tích này vào mỗi dịp cuối tuần”.
 

bb01

Bên cạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa của người S’Tiêng, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi thể thao nhân dịp lễ hội như: Giải bóng chuyền nam dân tộc thiểu số, đẩy gậy, kéo co, lồng ghép vào đó là tiết mục văn nghệ hoạt cảnh “Tình quân dân”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” thể hiện lại khí thế hào hùng của người dân Bom Bo trong kháng chiến làm nao nức du khách khi đến thăm quan Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Sóc Bom Bo. Theo ông Vũ Đức Hoàng – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Bù Đăng cho biết: “Trung tâm văn hóa – Thể thao huyện Bù Đăng tiếp nhận bảo quản, duy trì và phát triển các hoạt động để đón tiếp du khách tới khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo. Khi tiếp nhận ngành văn hóa huyện Bù Đăng rất lo lắng để làm sao quảng bá đến với đông đảo công chúng. Nghĩ là làm, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện tiến hành ngay việc trang trí, chỉnh trang, chỉnh sửa, phân công cán bộ thương xuyên có mặt để tiếp đón du khách, bố trí hướng dẫn viên để giới thiệu về nét văn hóa của người S’tiêng. Do vậy mà lượng du khách trong 7 tháng đầu năm 2018 đã tăng, ước có gần 10.000 lượt du khách đến tham quan. Đặc biệt dịp lễ tết, ngày thứ 7, chủ nhật bình quân có tới 200 đến 300 lượt khách mỗi ngày. Điều này chứng tỏ rằng là du khách đã biết đến Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng - Sóc Bom Bo”

bb02

Đây là một tín hiệu vui cho ngành văn hóa của huyện Bù Đăng. Để quảng bá rộng rãi, thu hút du khách đến với Khu bảo tồn ngày một nhiều, tại cuộc họp với các ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND huyện Điểu Hà Hồng Lý đề nghị ngành văn hóa – thông tin cần sớm chỉnh trang, sửa chữa một số hạng mục công trình đầu tư có dấu hiệu xuống cấp như: Mái Nhà dài, chống thấm khu trưng bày, khu làm việc, hệ thống nhà vệ sinh, hệ thống cây xanh, bổ sung thêm một số mô hình, dụng cụ sinh hoạt hằng ngày của người S’tiêng; Củng cố đội văn nghệ, đội cồng chiên để biểu diễn phục vụ du khách. Tổ chức làng nghề truyền thống theo mô hình du lịch cộng đồng, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để mời gọi du khách.

Với gần 10.000 lượt khách tham quan trong 7 tháng đầu năm 2018 là một tín hiệu đáng mừng bước đầu đã cho thấy hiệu quả hoạt động của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng – sóc Bom Bo, qua đó góp phần mang lại một sức sống mới cho người dân S’Tiêng – sóc Bom Bo anh hùng, để “Lửa bập bung... tiếng chày khua” mãi mãi đi vào lòng du khách mỗi khi về thăm Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng – sóc Bom Bo.

 

Yến Lê – Lê Hoàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây