Chiều 2-10, Tại điểm cầu huyện Bù Đăng, Phó chủ tịch UBND huyện Thị Diệu Hiền và lãnh đạo các phòng ban đã dự hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Huyện Bù Đăng
Việc triển khai Số sức khỏe điện tử giúp cho người dân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám thông qua ứng dụng VNeID một cách dễ dàng, thuận tiện, giảm những thủ tục hành chính tạp, rườm rà, hàng năm ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh; người dân hoàn toàn chủ động theo dõi hồ sơ sức khỏe của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của mình cho bác sĩ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào; không phát sinh chi phí đối với cùng một nội dung khám dù không cùng bệnh viện...
Về phía các bệnh viện, khi dữ liệu được liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh (dữ liệu xét nghiệm, chẩn đoán...) sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí (giảm thiểu thời gian tiếp đón bệnh nhân, không phải nhập lại các dữ liệu thông tin đã có sẵn trên hệ thống) cũng như giúp phục vụ chẩn đoán chính xác và hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, tránh lãng phí.
Về triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp, sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại thuận tiện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 656 về mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID toàn quốc từ ngày 01/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025. Để nhân rộng triển khai trên toàn quốc, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành Quy trình số 570, ngày 20/9/2024 thực hiện thí điểm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên VNeID, trong đó, đối với trường hợp công dân không có thông tin về án tích, thực hiện trả kết quả giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai các dịch vụ thiết yếu cho người dân. Mục đích cuối cùng trong xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số là phục vụ Nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trong thời gian tới là mỗi công dân Việt Nam kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử và 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID.
Việc thực hiện 2 tiện ích Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cũng nhằm mục tiêu hướng đến phục vụ người dân. Để thực hiện hiệu quả, Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi hành động trong quá trình thực hiện với phương châm: Tinh thần cao, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Trong quá trình thực hiện, các ngành, địa phương phải chuẩn bị chu đáo về hạ tầng, dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, chia sẻ, kết nối dữ liệu phải thông suốt; tăng cường kiểm tra, kiểm soát; nỗ lực vượt khó khăn, vướng mắc, chung sức thực hiện để tạo sự thuận lợi cho người dân trong các giao dịch.
Mỹ Hiệp