Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa danh sóc Bom Bo đã trở thành huyền thoại, tạo nên khí thế hào hùng, ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho quê hương, đất nước.
Khu bảo tồn văn hoá Dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo
Với lòng yêu nước nồng nàn, không khuất phục trước chính sách dồn dân lập ấp của chế độ Mỹ - ngụy, đồng bào Sóc Bom Bo đã vượt suối, băng rừng để về căn cứ cách mạng. Dẫu còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng đồng bào S’tiêng sóc Bom Bo một lòng một dạ sắt son với Đảng, với cách mạng, tích cực thi đua lao động sản xuất vừa phục vụ đời sống vừa phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ của vùng căn cứ.
Bộ Tư lệnh chủ lực Miền tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát ngụy ở Phước Long. (ảnh tư liệu)
Năm 1965, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài nhằm tiêu diệt cụm quân sự của địch ở phía Bắc chiến khu Đ, trong phạm vi tỉnh Phước Long, Bình Long và trên trục giao thông chiến lược Tây Nguyên - Sài Gòn (Quốc lộ 13 và 14). Thời điểm này, sóc Bom Bo trở thành trung tâm tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch. Bằng tinh thần tập trung cao độ cho chiến dịch, với quyết tâm cao và sự sáng tạo của mình, đồng bào sóc Bom Bo và các sóc trong vùng căn cứ đã tập trung toàn bộ lực lượng (già, trẻ, gái, trai), toàn bộ vật dụng hiện có, dùng cây sao dài khoét thành hàng chục lỗ cối để giã gạo không kể ngày đêm, kịp thời phục vụ chiến trường. Sau 3 ngày đêm miệt mài giã gạo, đồng bào sóc Bom Bo đã cung cấp cho chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài 5 tấn gạo trong thời gian ngắn nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Phụ nữ Sóc Bom Bo giã gạo
Dưới ánh đuốc bập bùng, nhịp chày khua rộn rã, cùng với những tình cảm dạt dào của đồng bào Bom Bo với cách mạng đã trở thành cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Múa cồng chiêng bên ánh lửa
Ngày hòa bình lập lại, đồng bào sóc Bom Bo lại trở về chốn cũ, lập sóc, giữ rừng, sinh sống và phát triển kinh tế gia đình. Bom Bo ngày nay, hai bên con đường nhựa uốn lượn là những ngọn đồi cà phê, điều, tiêu xanh mướt, những căn nhà ngói đỏ khang trang, nếp ống, rượu cần thơm ngào ngạt.
Cùng với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, trên mảnh đất thôn Bom Bo ngày nay, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng đã xây dựng và phát triển Khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và quảng bá những nét văn hoá tiêu biểu của người S’tiêng vùng miền Đông Nam Bộ. Đến nơi đây, ký ức Bom Bo huyền thoại như trở về qua lời ca, tiếng hát cùng với điệu cồng chiêng dưới ánh lửa bập bùng, ký ức hào hùng còn vọng mãi mai sau./.
Phú Quang